Chợ của nữ giới 500 tuổi lớn nhất châu Á

15:38 | 12/05/2016;
Nằm ở trung tâm Imphal, bang Manipur (Ấn Độ), khu chợ 500 tuổi Ima Keithel có một đặc điểm vô cùng đặc biệt, đó là tất cả những người bán hàng đều là phụ nữ.

Theo ngôn ngữ địa phương, chợ Ima Keithel có nghĩa là “chợ của những bà mẹ”. Đây là khu chợ chỉ toàn phụ nữ bán hàng lớn nhất châu Á, với khoảng 4.000 nữ thương nhân, phục vụ hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Ngoài ra, khu chợ cũng là nơi để người dân tụ họp, thảo luận về các vấn đề chính trị - xã hội quan trọng của đất nước.

1.jpg
 Khu chợ Ima Keithel.

Khu chợ được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, vào thời đại Manipur còn được cai trị bởi các vị vua. Trong thời gian này, một đạo luật truyền thống có tên là “Lallup” bắt buộc các thành viên nam giới của các cộng đồng địa phương phải phục vụ nhà vua bất cứ khi nào họ được triệu tập. Và vì thế, người phụ nữ trong gia đình phải chịu trách nhiệm nuôi con và buôn bán để nuôi sống gia đình mình.

Dần dần, mọi người quen với nếp suy nghĩ này, cứ thế những thế hệ thương nhân nữ nối tiếp nhau, giành hết vị trí của các đấng mày râu trong ngành kinh doanh. Điều thú vị là, cho đến nay, chỉ có phụ nữ đã lập gia đình mới được phép buôn bán tại chợ này.

Suốt hàng trăm năm qua, khu chợ bị nhiều thế lực khác nhau gây áp lực bắt phải thay đổi, với mục đích kiểm soát thương mại địa phương và làm giảm tính độc lập tự chủ của phụ nữ Manipur. Tuy nhiên, những nữ thương nhân mạnh mẽ đã đứng vững trước mọi sức ép.

2.jpg
 Chỉ những phụ nữ lập gia đình mới được buôn bán ở chợ này.

Trong thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, phụ nữ địa phương đã 2 lần đứng lên tổ chức các cuộc “Nupi Lal” (chiến tranh của phụ nữ) vào năm 1904 và 1939. Đến khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, họ tiếp tục bị đe dọa phải di dời khỏi Ima Keithel, nhưng phụ nữ Manipur vẫn kiên cường trụ vững.

Hoạt động buôn bán ở Ima Keithel chỉ bị gián đoạn hoàn toàn trong một giai đoạn vào Thế chiến II, khi nơi đây trở thành chiến trường đẫm máu giữa quân đội Anh và phát xít Nhật.

Thậm chí, vào năm 2003, lúc chính quyền địa phương lên kế hoạch giải tán chợ để thay thế bằng một siêu thị hiện đại hơn, toàn bộ giới thương nhân phụ nữ đã đoàn kết phản đối quyết định này. Cuối cùng nhà chức trách đã phải chịu thua.

Ở Ima Keithel, phụ nữ buôn bán rất nhiều loại hàng hóa. Có một tòa nhà được dành riêng cho việc mua bán trái cây và rau quả, trong khi những tòa còn lại là khu vực của đồ thủ công mỹ nghệ và đồ trang sức. Hầu hết các cửa hàng đều được truyền từ đời mẹ sang đời con gái hoặc con dâu, qua nhiều thế hệ.

4.jpg
Chợ Ima Keithel tồn tại lâu đời bởi các cửa hàng đều được truyền từ đời mẹ sang đời con gái.

Các nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết người kinh doanh ở chợ có thể kiếm được từ 1.000 USD đến 3.000 USD một năm. Mặc dù chị em buôn bán khá nhiều mặt hàng nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu bởi đều phải chi phí cho việc mua hàng hóa, các nguyên vật liệu, phí vận chuyển cũng khá cao. Theo nghiên cứu độc lập của tiến sĩ Yumkhaibam Shyam Singh - Phó giáo sư Lịch sử tại Đại học Imphal, khu chợ vẫn hàng ngày bị đe dọa bởi "cuộc xâm nhập quy mô lớn của các sản phẩm giá rẻ và công nghệ mới từ các nơi khác ở Ấn Độ và trên thế giới".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn