Cho góp tiền xây từ đường, “mất” luôn mảnh đất: Công lý đã được thực thi

18:00 | 03/03/2021;
Với việc HĐXX phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chị em bà Ngẫm đã kết thúc hành trình nhiều năm đi khởi kiện đòi tài sản thừa kế của mình.

Hành trình đi tìm công lý của cụ bà gần 80 tuổi

Thửa đất gần 900m2 tại thôn Thầu Đâu, xã Dương Quan huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng là nơi các cụ và chị em bà Lê Thị Ngẫm (SN 1945) và con cháu đã quản lý, sử dụng đến nay đã 4 đời. Nhưng năm 2018, chị em bà Ngẫm bỗng phát hiện thửa đất này đã bị UBND huyện Thuỷ Nguyên cấp "sổ đỏ" cho cụ Phạm Thị Hoa từ năm 2005 và được ông em Việt kiều mới về nhận họ là Lê Viết Vượng đang ra xã đề nghị mở thừa kế, chuyển "sổ đỏ" thửa đất này sang tên mình.

Những hành vi mờ ám của ông em Việt kiều và một số cán bộ địa phương đã bị lật tẩy tại các phiên tòa vừa qua.

Theo tài liệu, bà Lê Thị Ngẫm (Người khởi kiện, SN 1945; trú tại: Thôn Sáu Phiên, xã An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng) có bố là Lê Viết Vằn (SN 1916, mất năm 1981), mẹ là Bùi Thị Nghĩa (SN 1915, mất năm 1985). Sinh thời cụ Vằn, cụ Nghĩa sinh được 4 người con gái là: Lê Thị Nghĩ (SN 1941), Lê Thị Ngẫm (SN 1945), Lê Thị Nhấm (SN 1950) và Lê Thị Nhắt đều sống tại huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.

Bà Nhẫm tại phiên tòa sơ thẩm

Bà Ngẫm tại phiên tòa sơ thẩm

Gia đình cụ Vằn cụ Nghĩa và các con, cháu đã sinh sống trên có thửa đất 890m² tại thôn Thầu Đâu, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng từ 4 đời nay. Năm 1981, cụ Lê Viết Vằn qua đời, đến năm 1984 cụ Bùi Thị Nghĩa ốm yếu, nên chị em bà Ngẫm thống nhất để bà Nhắt cùng con trai là Lê Văn Tuấn (SN 1970) về ở trên đất này để trông nom, chăm sóc cho cụ Nghĩa. Đến năm 1985 cụ Nghĩa qua đời.

Năm 2007, chị em bà Ngẫm đã thống nhất gọi ông Lê Viết Cường (SN 1955; là cháu đích tôn của dòng họ) đến sinh sống, quản lý thửa đất, đồng thời là để có người thờ cúng bố mẹ, ông bà tổ tiên. Hiện tại, ông Cường vẫn đang là người quản lý, sử dụng mảnh đất này.

Diện tích còn lại 870m² đất, gia đình ông Cường (gồm 10 người là vợ, con, cháu) hiện nay vẫn đang sống và quản lý, gồm 1 nhà thờ 120m² và một nhà ngang khoảng 60m² và một số công trình phụ. Các chị em bà Ngẫm và con cháu trong gia đình vẫn thường xuyên về đây thờ cúng các cụ.

Sau khi cụ Vằn mất một thời gian, bỗng nhiên có ông Lê Viết Vượng (SN 1960; HKTT tại xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), mang quốc tịch Anh về tự nhận là con đẻ của cụ Vằn với cụ Phạm Thị Hoa (SN 1915, HKTT tại thôn Tây Giữa, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Mấy năm gần đây, ông Vượng về xin tự nguyện góp một phần đầu tư xây dựng nhà từ đường và được chị em bà Ngẫm cũng đồng ý.

Tuy nhiên, sau đó gia đình bà Ngẫm phát hiện, mảnh đất 870m2 là tài sản thừa kế chưa chia của cụ Vằn để lại, đã được UBND huyện Thủy Nguyên cấp Giấy CNQSDĐ số AD640301 cho cụ Phạm Thị Hoa ngày 23/9/2005 và "Giấy di chúc" đề ngày 22/10/2006 của cụ Hoa ghi là "để lại toàn bộ thửa đất 870m² nêu trên cho ông Lê Viết Vượng (có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã Dương Quan). Ông Vượng cho rằng mảnh đất 870m² này là của bà Hoa (mẹ đẻ ông Vượng), đồng thời ông Vượng đã về xã để làm thủ tục mở thừa kế, chuyển "sổ đỏ" từ cụ Hoa sang tên mình thì bị gia đình bà Ngẫm phát hiện, làm đơn khởi kiện.

Tại tòa, nguyên đơn trình bày, về nguồn gốc đất: Thửa đất trên có nguồn gốc từ đời ông nội của chị em bà Ngẫm. Sau này bố mẹ bà Ngẫm là cụ Vằn cụ Nghĩa cùng 4 chị em bà vẫn sinh sống ở trên đất này. UBND xã Dương Quan cũng khẳng định rõ nguồn gốc mảnh đất nêu trên là của cụ Lê Viết Vằn.

Về quá trình sử dụng: Năm 1981, cụ Vằn qua đời, không để lại di chúc. Năm 1984, khi cụ Bùi Thị Nghĩa ốm yếu, nên chị em bà Ngẩm để cho cháu Lê Văn Tuấn về ở để trông nom, chăm sóc cho cụ Nghĩa. Đến năm 1985 thì cụ Nghĩa qua đời. Đến năm 2007, chị em bà Ngẫm gọi anh Cường đến sinh sống, quản lý thửa đất, đồng thời là để có người thờ cúng bố mẹ, ông bà tổ tiên.

Phía bị đơn trình bày, rằng "cụ Hoa cùng vợ chồng ông Vượng đã về sống trên thửa đất này nhiều năm", nhưng không đưa ra được chứng cứ nào theo quy định và cũng không có căn cứ nào xác định cụ Hoa là vợ cụ Vằn, để ghi chỉnh lý vào sổ địa chính năm 1985 và sổ theo dõi thuế năm 1989 của địa phương.

Trong khi đó, các nhân chứng của vụ án xác nhận: Cụ Hoa và vợ chồng ông Vượng chưa một ngày nào sinh sống, quản lý sử dụng đối với mảnh đất này. Cụ Hoa là người sinh sống và chết tại thôn Tây Giữa, xã Dương Quan. Điều này đã được cả Bí thư Chi bộ thôn và ông Trưởng thôn của 2 thôn Tây Giữa và thôn Thầu Đâu, xã Dương Quan xác nhận tại BL số 41.

Vì vậy, sau khi xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, tài liệu, lời khai của những người liên quan, TAND TP Hải Phòng đã tuyên hủy Giấy CNQSDĐ số AD 640301 do UBND huyện Thủy Nguyên cấp ngày 23/9/2005 cho bà Phạm Thị Hoa đối với diện tích đất 870 m2 tại thửa số 451, tờ bản đồ số 05, địa chỉ xóm Thầu Đâu, xã Dương Quan, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Tuy nhiên, hành trình đi tìm công lý của chị em bà Ngẫm vẫn chưa dừng lại. Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Hoa bị tuyên hủy, di chúc của bà cũng mất hiệu lực, nhưng gia đình bà Ngẫm tiếp tục khởi kiện trong vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế.

Công lý được thực thi

Vừa qua, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp thừa kế tài sản do cụ Ngẫm là nguyên đơn. Tại bản án số 62/2020/DS-ST, tòa đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Cụ thể: Các nguyên đơn được nhận chung diện tích đất để làm nhờ thờ cúng chung. Giao cho các bà Nghĩ, Ngẫm, Nhẫm được quyền quản lý, sử dụng diện tích 900m2 đất tại thửa đất 451, tờ bản đồ số 5, thôn Đầu Thâu, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên.

Đối với ngôi nhà trên đất do các nguyên đơn và ông Vượng góp tiền, công sức xây dựng, nguyên đơn thanh toán tiền công sức, nguyên đơn thanh toán giá trị trả lại cho ông Lê Viết Vượng theo phần ông Vượng bỏ ra; thanh toán tiền công sức, thù lao cho ông Lê Viết Cường đã quản lý trong coi giữ gìn tài sản, thanh toán tiền xây dựng nhà và công trình phụ khác cho ông Cường và bà Thiếp theo quy định của pháp luật.

Chị em bà Ngẫm và căn nhà trên mảnh đất cho cụ Vằn để lại. Sau phán quyết của tòa, tài sản này sẽ được giao cho chị em bà Ngẫm quản lý, sử dụng.

Chị em bà Ngẫm và căn nhà trên mảnh đất cho cụ Vằn để lại. Sau phán quyết của tòa, tài sản này sẽ được giao cho chị em bà Ngẫm quản lý, sử dụng

Đến đây, hành trình đi tìm lại tài sản hợp pháp của chị em bà Ngẫm đã đi đến cái kết có hậu, kết thúc vụ kiện khá hy hữu ở địa phương: Cho góp tiền xây dựng từ đường, "mất" luôn mảnh đất hương hỏa.

Đồng tình với những phán quyết của tòa, tuy nhiên gia đình bà Ngẫm cho rằng, cần làm rõ thêm vai trò của một số cán bộ xã Dương Quan và huyện Thủy Nguyên khi đã lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cho cụ Phạm Thị Hoa.

Đó chính là nguồn cơn dẫn đến vụ án như ngày hôm nay và hành trình suốt nhiều năm đi tìm công lý của chị em bà Ngẫm.

Mới đây, bà Lê Thị Ngẫm; Lê Thị Nghĩ và Lê Thị Nhấm đã có đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng và báo chí tố cáo việc UBND huyện Thủy Nguyên cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho cụ Phạm Thị Hoa và Giấy khai sinh cho ông Lê Viết Vượng là trái quy định.

Trong đơn, chị em bà Ngẫm nêu, việc UBND huyện Thủy Nguyên cấp Giấy khai sinh cho ông Vượng (ghi tên bố là Lê Viết Vằn, mẹ Phạm Thị Hoa) trong thời gian ngắn là 3 ngày có nhiều điểm mâu thuẫn, sai sót, trái với quy định tại Luật Hộ tịch; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính Phủ; Thông tư số 15/2015/TT-BTT ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp.

Cụ thể: Ông Vượng khai mất Giấy khai sinh gốc nhưng sổ theo dõi cấp Giấy khai sinh tại xã và huyện không có tên ông Vượng. Thêm nữa, UBND huyện Thủy Nguyên cấp Giấy khai sinh tại thời điểm ông Lê Viết Vượng chưa có chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân, chưa có sổ Hộ khẩu, không có giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, huyết thống với cụ Vằn là sai với các quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện những nội dung tố cáo của chị em bà Ngẫm đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn