Chó mèo liếm: Thủ phạm gây bệnh nan y

20:00 | 10/09/2018;
Đó là cảnh báo của Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra mới đây, sau khi bệnh nhiễm trùng gia tăng đột biến, đặc biệt là “cú liếm tử thần” do khuẩn C. Canimorsus từ miệng chó mèo gây ra.
Nhiễm trùng huyết, cụt ức chi vì khuẩn C. Canimorsus
 
Đó là trường hợp của người đàn ông ở Wisconsin (Mỹ) đã phải cắt cả tứ chi do nhiễm trùng máu trầm trọng, tờ Dailymail của Anh đầu tháng 8/2018 cập nhật. Dailymail cho biết, người đàn ông này tên là Greg Manteufel, 48 tuổi vừa trải qua 7 cuộc phẫu thuật kể từ cuối tháng 6/2018 do bị nhiễm trùng huyết vì chó liếm chân, cùng với các triệu chứng ban đầu giống cúm như sốt, nôn ói, tiêu chảy kèm theo các vết bầm tím trên chân tay.
 
Trước khi phẫu thuật, qua khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ cho biết, Greg Manteufel mắc phải căn bệnh do vi khuẩn có tên Capnocytophaga Canimorsus (C. canimorsus) gây ra, đặc biệt, nhiễm trùng máu nghiêm trọng, khiến tứ chi bất hoạt, tự hoại buộc phải cắt bỏ.
 
Theo Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH), vi khuẩn C. canimorsus được tìm thấy trong nước bọt của chó và mèo khỏe mạnh. Sau khi bị chó liếm, cơ thể Manteufel xuất hiện những triệu chứng lạ, huyết áp giảm mạnh, nên máu lưu thông đến tứ chi cũng giảm theo, khiến cơ bắp bất hoạt. Chưa hết, do cơ thể Manteufel thỏa hiệp với miễn dịch nên nhiễm trùng trở nên trầm trọng, mũi cũng bị ảnh hưởng theo và phải cắt bỏ luôn.
maxresdefault.jpg
  
Bác sĩ Silvia Munoz-Price, chuyên gia ở Đại học Y khoa Wisconsin, nơi điều trị cho Greg Manteufel cho biết, qua các xét nghiệm máu tìm ra vi khuẩn C. canimorsus. Còn theo Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) thì cho biết, C. canimorsus là một tác nhân gây bệnh được tìm thấy trong nước bọt của chó và mèo.
 
Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1-8 ngày sau khi tiếp xúc, nhưng thường lộ ngay sau ngày thứ hai với các triệu chứng giống cúm cho đến nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng thường có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh tối thiểu 3 tuần nhưng nếu nặng có thể phải cắt cụt các chi do hoại tử, đau tim và suy thận. Nếu được chẩn đoán sớm, cơ hội sống sót cao hơn. Khoảng 30% những người bị nhiễm bệnh C. canimorsus bị thiệt mạng.
 
Cũng phải nói thêm rằng, nhiễm trùng C. canimorsus rất hiếm gặp, hơn 99% những người nuôi chó mèo không bao giờ gặp phải vấn đề này nên dễ bị bỏ qua, thậm chí còn xem thường không đi khám và điều trị. Riêng trường hợp Greg Manteufel sẽ phải qua 3 cuộc phẫu thuật nữa, chủ yếu là phẫu thuật chỉnh hình để lắp chân tay giả.
 
Một trường hợp khác xảy ra mới đây đối với một phụ nữ da trắng 70 tuổi người Italia, bị nhiễm trùng máu do khuẩn C. canimorsus gây ra. Nó có nguồn gốc từ một con chó nuôi lâu năm của gia đình. Ngay sau khi bị chó liếm, người phụ nữ này đã xuất hiện tình trạng co giật, nôn ói. Sau đó, sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Đặc biệt là nhiễm trùng máu trầm trọng, xuất hiện tình trạng rối loạn nhiều chức năng. Rất may, chức năng miễn dịch cơ bản của cơ thể không bị ảnh hưởng.
 
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này, mặc dù nhiễm trùng huyết nặng nhưng lại không có bất kỳ vết xước hay vết cắn nào trên da thịt. Còn theo người bệnh, bà thường xuyên cho chó liếm da mỗi khi vuốt ve, âm yếm nó. Nhưng qua thủ thuật thử vi trùng cấy máu cho thấy có các loại khuẩn gram âm, đó là khuẩn C. canimorsus, một loại vi khuẩn thường được cô lập trong khoang miệng của chó và mèo. Rất may, nhờ chăm sóc tích cực và bằng kháng sinh phổ rộng, người phụ nữ này đã bình phục trở lại sau 2 tuần điều trị. Đây là bài học rất quý báu cho cộng đồng những người yêu động vật cảnh tại Italia sau “cú liếm tử thần” nói trên.
 
“Chân dung” khuẩn C.canimorsus
 
CDC trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản năm 2014 cho biết, khuẩn C. canimorsus có mặt ở 69% chó và 54% mèo, lây sang người qua vết cắn, liếm, thậm chí chúng có thể thấm qua da mà không có vết cắt nào trên da. Hầu hết không xuất hiện bất kỳ triệu chứng, nhất là nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu.
 
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (NCBI) trực thuộc Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, thì khuẩn C. canimorsus là một nguyên nhân mới nổi phát sinh nhiều căn bệnh nan y như nhiễm trùng huyết, viêm màng não và nhiễm trùng sau phẫu thuật cắt lách. Mới được đặt tên năm 1989, C.canimorsus là một tác nhân gây bệnh dạng vi khuẩn được tìm thấy trong nước bọt của chó và mèo khỏe mạnh, truyền sang con người chủ yếu bằng vết cắn hay liếm. C. canimorsus là vi khuẩn hình que, gram âm, lên men, không bào tử.
 
Sau khi tăng trưởng, que dài có xu hướng chuyển sang dạng cong. Vi khuẩn không có phần râu cuối nên khi di chuyển bằng chuyển động trượt. C. canimorsus cần có phương tiện thích hợp để tăng trưởng và khi đủ kích thước thường có màu hồng hoặc vàng. 
maxresdefault-1.jpg
 
Ước tính tại Mỹ có khoảng 484 bệnh nhân, độ tuổi trung bình 55 mắc phải căn bệnh này, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ 2/3. Tỷ lệ tử vong là khoảng 26-30%. Tình trạng bệnh phổ biến ở nhóm cắt lách (59 bệnh nhân) và nghiện rượu (58 người). Chủ yếu vẫn là nhiễm trùng huyết nặng và sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong, hoại tử tứ chi, viêm màng não, viêm nội tâm mạc và nhiễm trùng mắt.
 
Bệnh thường xảy ra ở chó cắn là 60% và 27% mắc bệnh là do trầy xước, liếm hoặc tiếp xúc khác. Bệnh nhân viêm màng não thường rơi vào nhóm tuổi cao, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ, thời gian ủ bệnh lâu hơn so với bệnh nhiễm trùng máu. Vi khuẩn C. canimorsus được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng huyết, nhất là nhiễm trùng huyết sau phẫu thuật cắt lách và viêm màng não.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn