Đặc biệt những khu chung cư và chợ là nơi tập trung đông người, giao thương buôn bán. Là nơi được chọn thí điểm mô hình "Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa" đầu tiên của miền Bắc, sau 1 tháng triển khai, Chợ Nhớn (Bắc Ninh) đã đạt được nhiều kết quả khả quan, dần trở thành mô hình điểm trong chiến dịch giảm rác thải nhựa để nhân rộng ra toàn quốc.
Mô hình "Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa" cùng mạng lưới thanh niên hành động chống rác thải nhựa đã được TƯ Đoàn phối hợp tỉnh đoàn Bắc Ninh triển khai tại Chợ Nhớn từ ngày 9/11/2019. Sau 1 tháng thực hiện đã nhận được nhiều phải hồi và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng đồ nhựa và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Đức Sâm - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh - cho biết, mô hình đã được cụ thể hóa từ những việc đơn giản như người dân đã xách giỏ, làn đi chợ; một số gian hàng tại Chợ Nhớn trưng biển "Tại đây không sử dụng túi nylon", "Khuyến khích khách hàng tự mang hộp đựng đồ ăn"... Ngoài ra, một số cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã chủ động sử dụng các sản phẩm tự nhiên như dùng lá chuối gói rau, củ..., đồng thời bày bán các sản phẩm thân thiện với môi trường như cốc giấy tự hủy, ống hút làm từ bột gạo thay cho vật liệu nhựa.
Theo ông Sâm, Chợ Nhớn tập trung 170 gian hàng cố định và khoảng gần 100 gian hàng không cố định, với 270 hộ kinh doanh thường xuyên, là "điểm đen" của rác thải nhựa. Đa số người dân có thói quen sử dụng những sản phẩm như ống hút, thìa, cốc, bát, đĩa nhựa dùng một lần; hộp xốp; nước đóng chai nhựa; túi nylon... bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ mà ít quan tâm rằng chúng có đặc tính rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên.
Ban đầu, việc thực hiện triển khai mô hình gặp khó khăn lớn nhất về mặt kinh phí trong việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức được tác hại của rác thải nhựa, vẫn có thói quen dùng đồ nhựa, túi nylon... Vì thế, không chỉ có đoàn thanh niên tham gia vận động, triển khai mà cần sự chung tay của các cấp, các ngành cũng như cần có lộ trình thích hợp để hỗ trợ người dân dần chuyển đổi sử dụng túi ni lông sang các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Để mô hình đi vào đời sống người dân, trong thời gian tới, các tổ chức đoàn trong tỉnh đã có kế hoạch lâu dài. Theo đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về tác hại, nguy cơ ô nhiễm của chất thải nhựa, túi nylon đối với kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe con người, có tác dụng làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể.
Một cách làm hết sức thiết thực mà chúng tôi tiếp tục vận động đó là "Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ", "Đổi chai nhựa lấy cây"... đồng thời tiếp tục tổ chức các "Ngày Chủ nhật xanh" với chủ đề "Thanh niên hành động chống rác thải nhựa" đến các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh nhằm tuyên truyền và giảm thiểu rác thải nhựa trong đời sống người dân
Ông Nguyễn Đức Sâm - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh
Ban tổ chức cũng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình, cách làm sáng tạo, thiết thực trong thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh. Thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon sang các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn