Nữ hiệu trưởng nói về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học

16:33 | 24/09/2020;
Ngày 1/11/2020, Thông tư 32 sẽ có hiệu lực, vì vậy trường THPT Nguyễn Bình, Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đang tuyên truyền cụ thể tới phụ huynh, giáo viên và học sinh về những vấn đề nảy sinh xung quanh việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Thúy Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bình, cho rằng: Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học là phù hợp xu thế; nhiều tiện ích đối với cả giáo viên và học sinh như: tiết kiệm thời gian tra cứu, thu thập được nhiều thông tin, đa dạng hóa hóa hình thức thông tin; có thể ứng dụng tốt cho dạy học và cả kiểm tra đánh giá... Các em đã học online trong suốt mùa Covid-19 vừa qua là một minh chứng.

Trong bối cảnh hiện nay, điện thoại chính là để duy trì mối liên hệ giữa phụ huynh và học sinh. Có điện thoại, phụ huynh bớt lo lắng về những bất trắc ngoài xã hội (bị trấn lột, cướp), giảm mối lo về việc con cái đi đâu, làm gì sau tan học, nhất là với lượng học sinh đi xe tuyến.

Tuy nhiên, điện thoại thông minh cũng mang đến một số nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ, khả năng tiếp thu của học sinh như nguy cơ nghiện game, sa đà vào nội dung xấu trên mạng xã hội, khả năng tăng tỉ lệ cận thị và giảm giao tiếp với thế giới xung quanh.

Do vậy, theo tôi, để điện thoại di động được sử dụng hiệu quả, không gây hậu quả trái chiều thì cần các điều kiện sau:

1. Nhà trường và giáo viên phải có quy định về cách sử dụng điện thoại như: cho học sinh dùng giờ nào? Dùng điện thoại hoạt động nào? Và dùng trong thời gian bao lâu? Mỗi em sẽ phải có 1 điện thoại hay cả nhóm mới cần dùng 1 điện thoại?

Khi kết thúc hoạt động cần dùng điện thoại, học sinh phải tắt điện thoại và cất điện thoại theo yêu cầu của thầy cô... Nếu học sinh vi phạm, nhà trường phải có quy định xử lý nghiêm minh để răn đe các học sinh khác.

2. Thầy cô giáo phải xác định rõ hoạt động nào trong 1 giờ học hay tiết học... sẽ cần dùng điện thoại thông minh? Tính hữu ích và hiệu quả khác biệt so với không dùng điện thoại phải có kết quả rõ ràng. Các thầy cô trong lớp cũng phải luôn quan tâm quản lý, nhắc nhở học sinh trong suốt quá trình học sinh dùng điện thoại, để đảm bảo học sinh không dùng điện thoại sai mục đích học tập.

3. Khi phụ huynh đồng tình, có đăng ký trang bị điện thoại thông minh cho con sẽ phải thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con cách sử dụng điện thoại trong học tập và cuộc sống. Nhà trường phải trao đổi, thống nhất chủ trương với phụ huynh. Với những học sinh có gia cảnh khó khăn thì trường không bắt buộc học sinh đó phải có điện thoại để học.

Mỗi em học sinh một điện thoại hay cả nhóm mới cần một điện thoại đi học? - Ảnh 2.

Cô Thúy Toàn (áo dài cam) và các học sinh trường THPT Nguyễn Bình. Ảnh: NVCC

4. Nhà trường và phụ huynh luôn khuyến khích các học sinh phải nâng cao ý thức tự giác, biết cách sử dụng điện thoại đem lại hiệu quả, tiện ích trong học tập. Trong giờ học, trong mỗi hoạt động sử dụng điện thoại luôn phải tuân thủ kỷ luật của lớp học, cũng như những yêu cầu về quản lý, tổ chức mà thầy cô đưa ra.

Cô Thúy Toàn cho rằng, với những học sinh không có điện thoại thì có nhiều phương tiện, cách thức khác để học tập như dùng máy tính bảng; máy tính để bàn hoặc có thể dùng chung điện thoại với nhóm bạn trong giờ học cần thiết. Bởi không phải giờ nào, môn nào ở trường cũng cần dùng đến điện thoại di động, nên nếu em học sinh nào không có điện thoại cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn