Gần trưa mà chị Mai, một tiểu thương, vẫn loay hoay tìm khách mở hàng thịt bò. Từ khách quen đến khách lạ chị đều mời chào đon đả: 'Em ơi, mua ít thôi cũng được, chị chưa bán được lạng thịt nào từ sáng đến giờ'.
Ế từ chợ lớn đến chợ nhỏ
Đáp lại chị Mai chỉ là những cái lắc đầu, cười mỉm của khách hàng. Có người vui tính còn đùa lại: 'Chị có mua không, vào nhà em bán lại cho. Trước Tết mua rõ nhiều, giờ tủ lạnh còn đầy ắp đây này!'. Đó không chỉ là thảm cảnh của riêng chị Mai, một tiểu thương bán thịt bò và thịt lợn tại một chợ nhỏ trên phố Đội Cấn, Hà Nội.
Gà làm sẵn ế ẩm
Chị Hoa bán gà bên cạnh cũng còn ngổn ngang nào ngan, nào gà, lòng mề… Chị Hoa tâm sự, năm nay sức tiêu thụ gà giảm ngay từ trong Tết. Nếu như mọi năm, từ 25 đến 30 Tết, mỗi ngày chị bán được khoảng 150 con gà, thì năm nay, ngay cả ngày đắt khách nhất cũng chỉ bán được khoảng 70 con. Sau Tết, dù giá gà đã giảm tới 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có người mua. Chị Hoa cho rằng, sức mua giảm vì năm nay, có thể do thu nhập giảm, nên người mua có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn.
Nghe tiểu thương chia sẻ về tình hình mua bán gà:
Không chỉ các chợ nhỏ, mà tại các chợ đầu mối như chợ Đồng Xa, Mỹ Đình (Hà Nội), các sạp thịt lợn đến gần trưa vẫn đầy ắp hàng. 'Nguyên nhân một phần do giá lợn trên thị trường giảm, một phần do người dân đang “tiêu thụ” hết lượng thực phẩm tích trữ đồ ăn từ trước Tết vẫn còn nhiều, nên chưa ai hào hứng mua thịt', một tiểu thương phân trần.
Từ Bắc Ninh mang tôm, cá, ốc, ếch vào Hà Nội buôn bán kiếm lời, Nguyễn Thị Phượng đã gọi điện cho hầu hết các mối quen, nhưng ai cũng từ chối vì đồ mua từ trong Tết vẫn còn nhiều. Nếu trước Tết, tôm sú loại vừa Phượng bán giá khoảng 300.000 đồng/kg, thì nay chỉ có giá 200.000 đồng/kg, nhưng từ sáng sớm đến trưa cũng chỉ bán được khoảng 1kg, khách mua chủ yếu là 1-2 lạng để về nấu cháo, bột cho em bé. Những mặt hàng vốn dùng để “giải ngán” sau Tết như cá chép, ếch, cua dù giữ nguyên giá nhưng vẫn ế ẩm, người bán không dám lấy nhiều hàng.
Nghe tiểu thương chia sẻ về tình hình mua bán thủy hải sản:
Ế hàng, đóng cửa đi chơi
Mọi năm, mở hàng từ mùng 3, 4 Tết, nhưng năm nay cô Hải (chợ Tam Đa) nghỉ hẳn qua rằm mới quay trở lại sạp rau của mình. Khi được hỏi, cô luôn miệng than chợ vắng, mọi người đi làm, đi lễ hội, du xuân nhiều, chợ không có người mua, người bán cũng chán, nên cũng chẳng muốn bán hàng. Thêm vào đó, thời tiết ấm nên giá rau rất rẻ, lãi không bõ công dậy sớm từ 3h sáng đi lấy hàng tại chợ đầu mối Long Biên, nên cô thà nghỉ ở nhà đi lễ và chơi cùng con cháu còn hơn đi chợ.
Buôn bán kiếm lời như cô Hải còn có thể nghỉ bán hàng, còn chị Thanh, quê Hưng Yên thì không thể nghỉ một ngày nào. Mặt hàng chị Thanh bán chủ yếu là rau củ quả tự trồng tại vườn nhà, nên dù giá rau có rẻ như cho, hiện tại chỉ có 4.000 đồng/kg cà chua thì cà chua trong vườn vẫn chín đỏ, phải thu hoạch, cải cúc vẫn phải cắt để không ra hoa… Chị Thanh ngậm ngùi: “Tiền lãi bán cả sọt rau có khi còn chưa đủ một bữa cơm trưa, dù vậy ít còn hơn không, vẫn phải đi chợ đều”.
Nghe tiểu thương chia sẻ về việc tiêu thụ rau ở chợ:
Ế hàng thì có nhiều lý do, do thời tiết ấm áp, công việc nuôi trồng thuận lợi, sản phẩm nhiều và phong phú, do người dân dự trữ thực phẩm từ trước Tết nhiều… nhưng các tiểu thương vẫn hy vọng, sang tháng 2 âm lịch, sức mua sẽ tăng, thị trường thực phẩm, rau xanh tại các chợ sẽ khởi sắc.