'Cholita' đấu vật tìm tự do

14:00 | 13/05/2018;
Vào mỗi chiều Chủ nhật ở thành phố El Alto, hàng trăm người Bolivia và khách du lịch xếp hàng tại cửa ra vào khu thể thao liên hợp 12/10 để xem các trận đấu vật nữ. Đấu sĩ được gọi là các “Cholita” - phụ nữ bản địa trong trang phục váy áo dân tộc tầng tầng lớp lớp, tóc bện chặt, đầy lòng quyết tâm trên vũ đài.

Biểu tượng nữ quyền

“Cholita” xuất hiện tại Bolivia từ nhiều thập niên trước, chủ yếu là phụ nữ nông thôn. Đây là một trò chơi dân gian, trong đó những người phụ nữ mặc trang phục Cholita đấu vật để khẳng định vị trí trong xã hội nam quyền và xóa bỏ sự phân biệt giới tính. Phụ nữ Bolivia phải chịu sự đàn áp, miệt thị và cô lập trong một quá khứ dài đằng đẵng. “Tổ tiên chúng tôi nói rằng phụ nữ không được học đọc hay viết, không có quyền đến trường”, Mary Llanos Sanz (31 tuổi) - lãnh đạo các nữ đấu sĩ “Cholita” - chia sẻ. Tuy nhiên, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, phụ nữ Bolivia đã dần có được sự tôn trọng trong xã hội.

2.jpg
Đấu vật nữ thu hút rất nhiều người Bolivia và du khách

 

Khi công chúng không còn hứng thú với môn đấu vật nam ở Bolivia, từ năm 2001, một đấu sĩ đã đưa các “Cholita” lên vũ đài để thu hút người dân. Quyết định mạo hiểm này đã thành công, song phần lớn nhà tổ chức chỉ nghĩ cách làm sao có thật nhiều lợi nhuận. Sau nhiều năm bị khai thác và lợi dụng, một số phụ nữ đã ra đi và tự quyết định vận mệnh của họ. Vào tháng 7/2014, họ đã lập ra một hiệp hội mà trong đó, tất cả mọi người đều chung một tiếng nói: Tìm kiếm chiến thắng trên sàn đấu, tìm kiếm tự do trong cuộc sống.

 

3.jpg
Khán giả cổ vũ các “Cholita”
 

Sàn đấu không chỉ có vinh quang

Theo luật, trong quá trình thi đấu, các “Cholita” có quyền sử dụng chân tay để đấm đá đối phương. Chuyện xây xát, chảy máu, thương tích đầy mình là bình thường. Các “Cholita” có độ tuổi từ 18 đến 30, được đào tạo bài bản để có sức mạnh và độ dẻo dai cũng như chịu được đau đớn trong mỗi trận đấu. Để đủ điều kiện thành đấu sĩ, mỗi “Cholita” phải tập luyện trong 1 năm. Nếu đủ thể lực và quyết tâm qua được năm đó thì họ có thể bước lên sàn đấu trước đám đông.

9.jpg
Sự tự tin và dũng mãnh của 1 “Cholita”

 

Yolanda là một trong số những người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Mary Llanos Sanz. “Tôi có máu đấu sĩ chảy trong huyết quản. Cha tôi là một đô vật nhưng ông ấy từ chối dạy tôi. Tôi phải tự mình tập luyện vô cùng khó khăn”, cô kể lại. Sinh ra ở Brazil, Yolanda tới Bolivia khi cha mẹ ly hôn. 11 năm trước, cô  tự nuôi 2 con gái cho tới khi tái hôn gần đây. “Tôi bắt đầu tham gia đấu vật để chứng tỏ bản thân, cho những gã gia trưởng, cho tất cả mọi người thấy rằng, tôi có thể thành công trong một môn thể thao nguy hiểm”. Cảm giác này được các “Cholita” khác tán đồng.

10.jpg
Làm đẹp trước khi lên sàn đấu

 

Một số “Cholita” như Denita The Untouchable, Carmen Rosa và Maria The Damned còn khá nổi tiếng, thậm chí đã được mời đi lưu diễn quốc tế như ở Chile, Argentina, Mỹ. Phía sau sàn đấu, các “Cholita” tập trung trong 1 căn lều bạt để sang sửa mái tóc và trang điểm cho nhau. Dina - người được phong là “Nữ hoàng sàn đấu” - vốn là cô gái khá nhút nhát. Giờ đây Dina 28 tuổi, đã có 3 con và công việc dọn dẹp văn phòng để kiếm sống. 10 phút sau khi trang điểm, trên sàn đấu, cô đã nhanh chóng quật ngã đối thủ…

Trước kia, từ “Cholita” luôn gắn với những người có địa vị thấp trong xã hội Bolivia. Còn giờ đây, họ là biểu tưởng của sự cứng rắn, độc lập và tháo vát.

- Bạo lực gia đình là vấn đề lớn ở Bolivia. Hiệp hội “Cholita” ra đời không chỉ là con đường thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống thường nhật mà còn khiến phụ nữ trở thành một lực lượng có tiếng nói, được tính đến trong đời sống xã hội.

- “5 năm trước, phụ nữ bị coi thường nhưng giờ đây, mọi người đang nhìn vào chúng tôi, chúng tôi đang làm việc trong các ngân hàng, văn phòng, thậm chí là chính phủ. Chúng tôi đã cho thấy mình mạnh mẽ và không thể xem thường”, Yolanda khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn