Phố cổ không còn thực sự thuộc về những người của phố cổ, của những người sinh ra lớn lên và có thể khắc khoải chết đi ở đây.
Giờ phố cổ Hà Nội được chia sẻ cho dân nhập cư, dân buôn bán, khách du lịch, Tây ba lô… Họ hòa lẫn vào phố, như một phần của nó, ngoa ngoắt, tháo vát, trầm lặng hay ồn ã… Họ là một mảnh ghép giữa muôn mảnh nhiều màu sắc khác của nơi này.
Giờ phố cổ Hà Nội được chia sẻ cho dân nhập cư, dân buôn bán, khách du lịch, Tây ba lô… Họ hòa lẫn vào phố, như một phần của nó, ngoa ngoắt, tháo vát, trầm lặng hay ồn ã… Họ là một mảnh ghép giữa muôn mảnh nhiều màu sắc khác của nơi này.
Và thường tôi hay để ý đến những hình hài khác, những người già đến từ các quốc gia xa lạ, ở lại phố, đi qua phố ngày này qua ngày khác, như những chiếc bóng, như ảo ảnh, như một cái gì đó lạc lõng, cô đơn đến kỳ cục…
Tôi không rõ họ đến từ đâu, tại sao lại chọn phố cổ như một chốn dừng chân rất lâu. Liệu họ chỉ là kẻ qua đường rồi lưu luyến mà dừng lại mãi, hay thực sự họ chọn ở lại đây, sống những ngày cuối cùng với cái nơi xa lạ và ồn ã này. Có thể, rất có thể họ sẽ chết đi ở đây.
Ví như người đàn ông cứ 5 giờ chiều lại ngồi xích lô vào phố. Ông ngồi đầy chặt cái xích lô, mặt và ngực quện làm một. Người ta nghĩ mọi thứ đã ngừng lại ở đó, ở cái hình hài trên chiếc xích lô, ngừng phân rã, sinh sôi, suy nghĩ… Chỉ còn lại những thói quen đều đặn, như chiếc đồng hồ sinh học, tích tắc chạy chậm dần đều…
Một trong số họ làm tôi thấy lưu luyến đó là một bà da trắng. Lần đầu tôi nhìn thấy bà cách đây đã hơn 6 tháng. Đó là một sớm nóng nực, tôi nhìn thấy bà đi chậm rãi trong phố, gọn gàng và chỉnh tề kỳ lạ. Giống như một cô giáo đang trên đường lên lớp chứ không giống một người già thảnh thơi phố cổ. Mái tóc trắng được búi lại gọn gàng sau đầu, chiếc váy dài quá bắp chân kiểu cổ điển cứng ngắc đến từng nếp nhăn. Một chiếc túi đeo chéo nhỏ và tiện dụng. Một đôi chân trắng, xuống máu, chằng chịt gân xanh thò ra ở diềm váy, đút vừa trong đôi xăng đan kiểu cũ chắc chắn. Bà đi chúi về phía trước, hầu như không quan tâm đến xung quanh, không nhìn đường cũng chẳng để ý đến bất cứ điều gì sẽ đến hay đã trôi qua.
Tôi đã nghĩ, ở tuổi này, trông bà không giống một khách du lịch hạnh phúc ở đây. Và tôi tiếp tục gặp lại bà, nhìn thấy bà đây đó giữa phố cổ. Vẫn trong những bộ váy dài cứng ngắc. Cái dáng đi chúi về phía trước...
Hôm nay, khi tôi nhìn thấy bà, tôi tự hỏi, liệu phố cổ có phải là một nơi người ta có thể chọn để chết đi? Nơi mà giữa những tàn lụi và chuyển mình, người ta không còn quan tâm nhiều đến những số phận quanh mình nữa.
***
Tôi ngồi ở góc phố Chợ Gạo, nhìn ra ngoài trời nắng, những cô bán hàng hoa chở về phố những bó lay ơn chớm nụ. Một năm lại sắp trôi qua. Nhưng thời gian nào có ý nghĩa gì với những người nếu họ đã chẳng còn quan tâm gì đến ngày tháng nữa.