Tạo lộ trình cho cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH)
Diễn ra từ ngày 2 đến 15/12, Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH (COP24) tại Katowice (Ba Lan) có sứ mạng khai thông các bế tắc trong việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015, có hiệu lực vào năm 2020 bằng cách hoàn tất các chương trình làm việc đã soạn thảo.
Việc thông qua cuốn sách được đánh giá là vấn đề sống còn của COP24, bởi thất bại đồng nghĩa với việc việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu sẽ gặp vô cùng khó khăn khi thời điểm có hiệu lực của nó vào năm 2020 đang đến rất gần. Bà Patricia Espinosa - Giám đốc phụ trách khí hậu của LHQ mô tả đây là một kết quả tuyệt vời, là thắng lợi của đàm phán đa phương và kết quả đó sẽ tạo một lộ trình cho cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề BĐKH.
Điểm sáng của COP 24 là các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho thấy đoàn kết trong các vấn đề chung được cụ thể hóa trong Thỏa thuận Paris và tiếp tục khẳng định cam kết đối với mục tiêu hành động chống BĐKH. Trong số nhiều vấn đề được thông qua, các nước phát triển đồng ý cung cấp thêm thông tin về đóng góp tài chính cho các nước đang phát triển để thực hiện kế hoạch giảm thiểu và thích ứng với BĐKH cũng như chuyển đổi sang mô hình sử dụng năng lượng sạch. Các nước phát triển cũng đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 11/2020 về việc đặt mục tiêu tài chính mới nằm ngoài mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 cho các nước nghèo mà họ đã đưa ra cam kết vào năm 2010.
Nhóm các nước thuộc Liên minh Tham vọng lớn gồm Liên minh châu Âu (EU) và 4 quốc gia phát triển khác như Canada và New Zealand, cũng như nhóm lớn các nước kém phát triển và một số quốc gia đang phát triển khác, trong việc nỗ lực cắt giảm khí thải để phù hợp với mục tiêu giữ mức nóng lên toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C. Lãnh đạo các nước cũng thống nhất chuyện bất đồng về vấn đề cơ chế mua bán quota khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ được thảo luận vào hội nghị COP 25 năm sau diễn ra tại Chile.
Ngoài ra, các quốc gia ít phát triển hơn và các đảo quốc nhỏ có thể yêu cầu một thời hạn bổ sung để nâng cao năng lực và huy động tài chính cho mục tiêu này. 5 năm một lần, các quốc gia có thể điều chỉnh và nâng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc và EU hứa hẹn sẽ thành lập liên minh để đi đầu trong nỗ lực đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. EU tuyên bố đang thúc đẩy những biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 40% từ nay đến năm 2030. Chính phủ Pháp, Đức, Quỹ Hewlett cũng đã cam kết đóng góp khoản tài chính cho Sáng kiến Đối tác tài chính khí hậu của LHQ. Ngoài ra, Ngân hàng thế giới (WB) cam kết khoản 1 tỷ USD cho phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và bổ sung 4 tỷ USD từ nay đến năm 2025 để xây dựng nhà máy dự trữ năng lượng. Hãng Google cũng giới thiệu một công nghệ giúp thu thập dữ liệu về khí phát thải nhà kính từ giao thông và tính công suất năng lượng mặt trời ở các đô thị.
Nhiều ngành nghề cùng chung mục tiêu bảo vệ môi trường
Theo tính toán, đến năm 2030, lượng khí thải làm trái đất ấm lên cũng có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết. Tức là thế giới cần phải có nỗ lực cao hơn gần gấp 5 lần từ nay tới năm 2030 để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris đề ra.
Trước vấn đề ngày, tại COP24, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong công tác phòng chống BĐKH, nhất là tại các quốc gia chú trọng phát triển du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên ngành du lịch tham gia kể từ khi hội nghị được tổ chức lần đầu tại Đức vào năm 1995. Theo Chủ tịch WTTC Gloria Guevara, thỏa thuận mở đường giúp ngành du lịch và lữ hành hành động hiệu quả hơn nhằm đạt mục tiêu chống BĐKH. WTTC cũng sẽ kêu gọi xây dựng các điểm đến thân thiện với môi trường và chống BĐKH, nâng cao trách nhiệm của xã hội, phòng chống buôn lậu gỗ và động vật hoang dã. Việc ngành du lịch và lữ hành tìm cách phát triển sáng tạo, bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính là câu chuyện sống còn.
Cũng tại hội nghị, ngành thời trang thông qua thỏa thuận về chống BĐKH với cam kết từ đại diện 43 thương hiệu hàng đầu thế giới như Adidas, Guess, H&M, Levi Strauss&Co, Puma… cùng nhiều hiệp hội thời trang, dệt may... Theo đó, các bên cam kết hành động nhằm giảm thiểu tác động gây BĐKH trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Các thành viên sẽ giảm dần các lò hơi hoạt động bằng than cũng như các hoạt động khác có sử dụng than từ năm 2025.
Hội nghị lần này cũng lần đầu tiên chứng kiến lĩnh vực thể thao đưa ra Thỏa thuận khung cho hành động chống BĐKH nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi các tổ chức, câu lạc bộ, vận động viên và người hâm mộ cùng tham gia. Các bên ký kết gồm FIFA, UEFA, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Liên đoàn Thuyền buồm quốc tế cùng nhiều tổ chức khác. Thỏa thuận có 2 mục tiêu chính là tạo động lực cho cộng đồng thể thao thế giới chống BĐKH và nhờ tính hợp nhất, kết nối của lĩnh vực này để nâng cao nhận thức toàn cầu.
*Báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ chức Germanwatch, cho biết 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhất về biến đổi khí hậu gồm: Puerto Rico, Sri Lanka, Dominica, Nepal, Peru, Việt Nam, Madagasca, Sierra Leone, Bangladesh và Thái Lan. Theo Germanwatch, hơn 11.500 sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong giai đoạn 1998 - 2017 đã làm hơn hơn 526.000 người thiệt mạng trên toàn thế giới và gây thiệt hại khoảng 3,47 nghìn tỷ USD.
*Trong 3 năm qua (2015 - 2018) hiện tượng thời tiết cực đoan trên trái đất ngày càng gia tăng, các thảm họa mưa lũ, nắng nóng kỷ lục ở Nhật Bản; siêu bão, động đất ở Trung Quốc; nắng nóng bất thường ở Anh, Montreal, Canada; cháy rừng ở Thụy Điển, Hy Lạp; núi lửa phun trào ở Hawaii, Guatemala; vỡ đập thủy điện ở Lào; động đất, sóng thần ở Indonesia…
*Năm 2018, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt. Walt Meier, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ cho biết: "Đây được coi là pháo đài cuối cùng, nơi chúng ta thấy những thay đổi khí hậu về sau này tác động ra sao nhưng rốt cuộc chúng đã đến".
|