Nơi tôi sinh sống mang đậm chất xóm làng, giản dị. Nhà ngang lợp ngói phủ đầy rêu, những khoảng sân rộng rãi phơi ngô, phơi lúa. Ở góc vườn, một cây cau cao vút thẳng tắp, đứng bên cạnh là đụn rơm tròn to vàng ruộm. Mặc dù xã hội ngày càng đổi thay, phát triển nhưng ở quê tôi, nhà cao tầng hay mái bằng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi lấy chồng cùng làng, anh là giáo viên dạy cấp 3. Tuy gia đình chồng thuộc dạng cơ bản, khá giả nhưng cũng rất giản dị. Căn nhà 3 gian thoáng rộng, vững chắc, có thêm 2 buồng lồi 2 bên, 1 là phòng của vợ chồng tôi, còn phòng kia là của 2 cô em chồng. Cậu út còn nhỏ nên ngủ cùng bố ở giường ngoài. Trong nhà ngoài đồ cổ (do bố chồng tôi thích sưu tầm) thì chỉ có chiếc tivi, xe máy, bếp gas và nồi cơm điện được coi là đồ hiện đại.
Từ khi về làm dâu, tôi phải cáng đáng khá nhiều việc trong nhà. Cơm nước, giặt giũ hàng ngày cho cả gia đình đến chăm lợn gà, chó mèo. Mà đâu phải chỉ ở nhà không thôi, tôi còn phải lên trường dạy học nữa. Khi bé Na chào đời, tôi thực sự không biết mình nên sắp xếp công việc thế nào cho hợp lý để có thời gian nghỉ ngơi. Rời khỏi giường từ 4 giờ sáng cho lợn gà ăn, nhưng phải đến 12 giờ đêm tôi mới được quay trở lại chiếc giường thân thương, ấm áp.
Chồng tôi biết vợ vất vả, nhiều lúc muốn giúp vài việc lặt vặt nhưng đều bị mẹ lên tiếng ngăn cản. Bà giữ quan niệm cổ hủ rằng chuyện dọn dẹp, bếp núc là của phụ nữ, đàn ông không nên “mó” tay vào. Không muốn khiến mẹ phật lòng, chồng khó xử, tôi chẳng để anh đụng tay vào việc gì.
Một lần, chồng tôi được trường cử đi học ở thành phố 2 tháng, khi trở về anh mang theo một chiếc tủ lạnh mới tinh. Anh muốn tôi đi chợ 1 lần cho mấy ngày, sơ chế sẵn thức ăn cho vào tủ. Như vậy tôi đỡ được khoản đi chợ hàng ngày, được ngủ thêm một chút vào sáng sớm. Bố mẹ chồng tôi không hài lòng ra mặt, cho rằng như thế là lãng phí, không cần thiết. Ấy vậy mà chẳng hiểu anh thủ thỉ thế nào, giờ ông bà mê tít cái tủ lạnh. Mỗi lần có dịp lên thành phố, anh lại mang về 1 thiết bị tiện lợi cho gia đình. Nào là ấm đun nước siêu tốc, bếp điện từ, bình nóng lạnh...
Song, điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là chiếc máy giặt đắt tiền. Ở quê tôi, người ta chẳng dùng máy giặt bao giờ. Họ cho rằng giặt bằng máy không sạch, nhanh hỏng quần áo mà lại tốn điện. Bố mẹ chồng tôi kịch liệt phản đối, bắt anh mang trả lại. Anh không chịu nên ông bà giận không thèm nhìn mặt con trai nữa. Thấy vậy, tôi khuyên chồng nghe lời cho vừa lòng các cụ nhưng anh vẫn một mực không chịu. Anh nói không muốn tôi phải vất vả. “Anh không thể tự tay giúp em thì sẽ cố gắng mua những thiết bị hỗ trợ em tốt nhất. Mặc kệ mọi người nói gì, vợ anh thì anh phải thương chứ. Em cứ yên tâm, anh sẽ có cách khiến các cụ mê tít cái máy giặt thôi mà”.
Nghe anh nói, cổ họng tôi bỗng nghẹn lại vì xúc động. Hóa ra chồng vẫn luôn yêu thương, chăm sóc vợ theo cách của riêng anh. Bao mệt nhọc đều tan biến, tôi hạnh phúc chìm vào giấc ngủ trong vòng tay ấm áp của anh.