Theo wikipedia, thế hệ Z (gọi tắt là Gen Z) là những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu của thập niên 2010.
Những nhà nghiên cứu gọi Gen Z là thế hệ "Phigital" (Physical + Digital), tức là trong đầu của Gen Z thế giới ảo và thật không có ranh giới. Tại diễn đàn "Đối thoại với Gen Z: Cá tính hay quái tính? Tự do và giới hạn" do Học viện Thanh thiếu niên (YES) tổ chức ngày 4/10/2020 tại TP.HCM, ThS. Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập và điều hành Học viện YES, cho biết: "Gen Z chịu áp lực về sự thành công cá nhân rất cao. Các em mong muốn được mọi người công nhận, có thể công nhận về khả năng, có thể về vẻ đẹp hình thể... Nhưng đừng tưởng thế hệ sinh ra trong thời đại số thì chỉ giao tiếp trong thời đại số mà các em vẫn khao khát tương tác, kết nối với con người thật".
Nếu lướt một vòng trên các diễn đàn, các báo cáo về Gen Z, chúng ta có thể thấy nhiều nét phác họa về thế hệ này: Thích tạo ra xu hướng chứ không chạy theo xu hướng; thực tế và thích kiếm tiền; sáng tạo nhưng nổi loạn, tự tin, cá tính... Gen Z có rất nhiều điểm mạnh nhưng thực tế cũng có không ít trăn trở.
Theo nghiên cứu mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên thế giới, cứ 7 người trẻ thì có 1 người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần do ảnh hưởng của đại dịch. Ngay cả trước khi có dịch Covid-19, trẻ em và thanh niên đã mang gánh nặng rủi ro về sức khỏe tâm thần. Trong số này, có tới 50% người bị rối loạn tâm thần trước tuổi 15 và 75% có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở độ tuổi từ 15 đến 19. Theo thống kê của UNICEF, phần lớn trong số 800.000 người chết do tự tử hàng năm là thanh niên và chuyện tự làm hại bản thân là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở thanh thiếu niên 15–19 tuổi, với tỷ lệ cao hơn ở trẻ em gái vị thành niên.
Tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần của giới trẻ cũng đặt ra nhiều lo ngại. Chia sẻ về một trường hợp mình từng tư vấn, hỗ trợ điều trị, chị Ngô Thị Ái Linh, cán bộ can thiệp tâm lý cho bệnh nhân (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1), cho biết: H., một nữ sinh ở Nghệ An, bị trầm cảm và nhiều lần nghĩ đến cái chết do thất vọng về bố mẹ. H. từng tự hào vì bố mẹ đều là những người có trí thức, hiểu biết. Thế nhưng, khi biết bố ngoại tình, đặc biệt nhân tình của bố lại rất trẻ, chỉ bằng tuổi mình, H. cảm thấy không thể chấp nhận được. Em vô cùng xấu hổ, thất vọng về bố. Em cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống. Trong khi mẹ H. luôn thể hiện sự ghen tuông, sự tức giận, hận thù đối với chồng trước mặt các con.
Đời người đẹp nhất là tuổi trẻ, là thời gian để nỗ lực, phấn đấu và cống hiến. Cái chết hay hủy hoại bản thân chưa bao giờ là cách để chứng minh hay lối thoát. Hành động mềm yếu đó không còn cơ hội để chứng minh sự vươn lên của mình”.
Bùi Thị Mai Phương, Quán quân Duyên dáng áo dài TPHCM 2018
Thời điểm đó, H. đang ở tuổi dậy thì nên khủng hoảng tâm lý của em càng trở nên trầm trọng. H. đã dồn nén cảm xúc của mình để cố gắng đạt mục tiêu là đỗ đại học. Thế nhưng, khi trở thành sinh viên, sự bất ổn trong tâm lý của H. càng nặng hơn. Ở môi trường mới, bạn bè mới, việc học cũng khác so với trước đây, sự cô đơn, bế tắc trong H. ngày càng lớn dần. Sự lo âu, căng thẳng, mất ngủ kéo dài khiến H. lúc nào cũng nghĩ đến cái chết. Mẹ H. lo lắng đưa con đi khám nhiều nơi, uống nhiều thuốc nhưng tình trạng bệnh không được cải thiện. Việc đưa con đến khám và điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, mẹ H. chưa từng nghĩ tới mà chỉ đến khi có người nhà giới thiệu. Hiện tại, sau một thời gian điều trị, tâm lý của H. có những tiến triển tốt.
Câu chuyện của H. và nhiều trường hợp nữ sinh tìm sự giải thoát cho bản thân bằng cái chết xảy ra gần đây khiến nhiều người không khỏi giật mình bởi sự "yếu đuối", "mong manh dễ vỡ" của một bộ phận giới trẻ. Phải chăng giới trẻ bây giờ "thiếu sức đề kháng", thiếu khả năng đương đầu với khó khăn?
Lý giải việc thế hệ Z dễ chông chênh, "thiếu sức đề kháng" trước những thử thách, biến cố của cuộc đời, chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội), cho biết, một trong những lý do xuất phát từ việc trẻ được bố mẹ nuông chiều quá. Những năm đi học, khi con có vấn đề xích mích gì, dù là rất nhỏ như mâu thuẫn với bạn bè, nhiều bố mẹ đã "nhảy vào" can thiệp. Thế nên, các con không được rèn luyện cách giải quyết, rèn luyện bản lĩnh từ những chuyện nhỏ. Khi đó, con dễ ỉ lại về suy nghĩ, cảm xúc. Khi bản thân không được như ý, có cảm xúc tiêu cực, các con dễ có xu hướng "đổ lỗi" cho bố mẹ. Những cảm xúc tiêu cực tích tụ lại và khi bế tắc sẽ dẫn đến hành động tiêu cực.
Ngoài ra, khi trẻ có những cảm xúc, khó khăn mang tính chất thời đại (như những vấn đề trong thế giới ảo, chuyện tình cảm của những người LGBT-đồng tính luyến ái nam/nữ, lưỡng tính, chuyển giới...), nhiều phụ huynh chưa biết cách giải quyết thấu đáo. Đơn cử, khi con yêu người cùng giới rồi dẫn đến ghen tuông, nhiều bố mẹ chỉ biết cấm đoán, ngăn cản con của mình. Việc không được chia sẻ khiến con cảm thấy bơ vơ, ức chế.
Tiếp cận ở góc độ tâm sinh lý lứa tuổi, chị Ngô Thị Ái Linh cho rằng, những người trẻ, đặc biệt lứa tuổi teen là tuổi đang phát triển, chưa ổn định về tâm sinh lý. Khi áp lực dồn đến, các em dễ rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản, tuyệt vọng. Những vấn đề các em thường gặp có thể là sự thất bại trong quan hệ tình cảm, các vấn đề trong trường học, trong gia đình như: Mâu thuẫn của cha mẹ, thành viên trong gia đình bị ốm nặng, kết quả học tập ở trường không tốt, cảm giác không chắc chắn về tương lai... Những điều đó khiến các em lo lắng, buồn bã, bi quan, mất ngủ, nóng giận, từ đó dẫn đến những rối loạn cảm xúc, trong đó có trầm cảm và tự tử.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong môi trường với rất nhiều áp lực, sự thay đổi liên tục như hiện nay, những người trẻ cần đảm bảo rằng có thể sống sót qua những áp lực và thay đổi. Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự gây hại cho bản thân của một số bạn trẻ hiện nay, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, động cơ đằng sau thường là: Để làm xao lãng cảm xúc tiêu cực, tức giận và trầm uất; để giải tỏa cảm giác tê liệt và trống rỗng; để trừng phạt bản thân; để gây sự chú ý hoặc mặc cả một quyền lợi gì đó từ người lớn; để tránh không phải làm điều mà bản thân không thích; để gia đình, thầy cô, những kẻ bắt nạt mình phải biết mà hành động khác đi.
Hiện nay, giới trẻ Việt Nam được đánh giá là yếu về năng lực phục hồi. Điều này thể hiện qua các khía cạnh như: Năng lực trở lại làm việc hiệu quả sau một nghịch cảnh, khi đối diện với những tình huống tiêu cực vẫn có thể phản ứng một cách tích cực, phát triển và trở nên lớn mạnh hơn sau nghịch cảnh và vẫn duy trì được tâm thái hiểu biết, thông thái và lạc quan.
"Cách em vượt qua khó khăn là làm bạn với những người tích cực để cộng hưởng năng lượng tích cực, giúp mình hiện thực hóa các mục tiêu trong cuộc sống". Chưa ra trường, Quỳnh đã tranh thủ lúc rảnh rỗi đi làm người mẫu ảnh, tập kinh doanh để có thu nhập phụ giúp mẹ. Cô trở thành Hoa khôi sinh viên Y khoa trong cuộc thi MedBeauty 2018. Hiện nay, Phương Quỳnh là một bác sĩ; đồng thời là Trưởng nhóm kinh doanh của Công ty Bảo hiểm Manulife.
Chia sẻ về việc nhiều bạn trẻ tìm đến cái chết để giải thoát bản thân, Phương Quỳnh cho biết: "Em thấy buồn cho các bạn nếu lựa chọn lối thoát không đáng có như vậy. Khó khăn có thể đến trong một số thời điểm nhưng cái gì rồi cũng qua đi. Khi bị stress nên tâm sự với gia đình, như hồi trước, em hay tâm sự với mẹ. Khi chúng ta buồn nên chia sẻ với người thân, đừng để trong lòng. Đừng tự dồn nén cảm xúc và giải quyết một mình. Một cách hữu hiệu để thoát khỏi cảm giác tiêu cực đó là tham gia các hoạt động xã hội để thấy trân trọng cuộc sống của mình hơn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn