Chống dịch COVID-19: Đừng biến mình là nạn nhân lẫn tội đồ

09:01 | 09/03/2020;
Đến tối ngày 8/3, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã lên đến con số 30. Chỉ trong 2 ngày, từ chỗ không còn ca nhiễm mới sau 21 ngày, số ca nhiễm mới tại Việt Nam tăng đột biến.

Dịch bệnh Covid-19 đang trở thành bóng ma ám ảnh nhiều quốc gia trên thế giới, khi số quốc gia nhiễm, số người nhiễm, số người chết gia tăng lên từng ngày theo cấp số nhân. Đáng sợ hơn, trong điều kiện giao thông đi lại là nhu cầu tất yếu của con người trong một xã hội phát triển, giao thương vẫn diễn ra, những người mang mầm bệnh không được khai báo y tế có thể lây lan ra cộng đồng, như trường hợp của N.H.N, 26 tuổi, ca bệnh thứ 17 tại Việt Nam, cô gái bị cộng đồng lên án  kịch liệt trong hai ngày qua.

Chống dịch COVID-19: Đừng biến mình là nạn nhân lẫn tội đồ - Ảnh 1.

Tuân thủ khai báo kiểm dịch không chỉ là bắt buộc mà còn thể hiện trách nhiệm công dân trước cộng đồng

Ai đó đã so sánh với dịch bệnh H1N1 cách đây 11 năm với mức hoành hành đáng sợ khi toàn thế giới có 1,6 triệu người nhiễm với 300 ngàn người chết, tỷ lệ chết là 17,4 %, cao hơn rất nhiều lần tỷ lệ chết của virus corona là 3,4 %. Khi đó, trong 4 tháng, Việt Nam có gần 1 vạn ca nhiễm và hơn 20 ca tử vong vì H1N1.

Như một sự mặc định trong quan niệm từ xưa, trong lịch sử loài người, dịch bệnh hoành hành từng là nỗi khiếp sợ của thế giới thời dã man, mông muội, khi mà dịch bệnh thời kỳ đó, được lý giải là cơn thịnh nộ, sự trừng phạt của thánh thần bởi tội lỗi của loài người. Hay thời trung đại và cận đại, khi khoa học kỹ thuật, y tế chưa phát triển, dịch bệnh cũng được coi là nỗi khiếp đảm của nhân loại, khi người ta không biết nguyên nhân thực sự của các bệnh truyền nhiễm. Họ xem những người bệnh đó là bị thánh thần trừng phạt hay quỷ dữ nhập vào người. Mãi cho đến năm 1878, nhà bác học người Pháp Louis Pasteur – cha đẻ của ngành vi sinh vật học, phát hiện ra sự tồn tại của vi khuẩn và tìm ra các loại vaccine phòng bệnh sau cái chết của ba người con gái do mắc bệnh thương hàn và ung thư.

Dù dưới mức độ nào thì dịch bệnh cũng là một dạng thiên tai, đôi khi chính là nhân tai… mà khoa học hiện đại ngày nay còn chưa có những kết luận xác đáng về nguồn gốc phát sinh và biến thể của nó. Nó vẫn đeo đẳng loài người như một lời nguyền đáng sợ.

 Nói như vậy, để thấy rằng, nếu loại trừ những hành vi thiếu ý thức đáng bị lên án như đi du lịch ở các nước có dịch, có hiện tượng nhiễm nhưng không khai báo y tế để cách ly ngay khi về nước thì bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam cũng là một nạn nhân của SARS-CoV-2 cùng với hơn 100 ngàn người nhiễm trên thế giới tại hơn 90 quốc gia cho đến thời điểm này. Không ai dám chắc thời gian ủ bệnh 14 ngày sắp tới, những ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của virus chết người SARS- CoV-2.

Trở lại với những nỗ lực phòng dịch của Việt Nam bị phá vỡ sau hành vi thiếu ý thức của một cô gái về từ vùng dịch. Rõ ràng, con người có thể chế ngự được thiên tai, địch họa, dịch giã và ngăn chặn nó. Chẳng phải Việt Nam là quốc gia đã từng ngăn chặn thành công đại dịch SARS vào năm 2003 dù cái giá phải trả là sự hy sinh của 6 y, bác sỹ bệnh viện Việt – Pháp đó sao? Vậy nhưng, hành vi thiếu ý thức của một người đã đẩy cả cộng đồng, cả đất nước vào cơn bĩ cực. Học sinh chưa thể trở lại trường. Quân đội căng mình ra chống dịch. Hệ thống y tế phải hoạt động hết công suất để điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly. Ba ca nhiễm dương tính với SARS-CoV-2 do tiếp xúc gần với cô gái cũng đã được kết luận cho đến hôm nay, khiến bệnh nhân thứ 17, nạn nhân của corona phút chốc trở thành "tội đồ" lây lan dịch bệnh.

Để quản lý xã hội, pháp luật là công cụ thượng tôn để điều chỉnh hành vi của con người. Cùng với các quy phạm pháp luật thì hành vi của con người còn được điều chỉnh bằng đạo đức xã hội và dư luận xã hội. Nếu như pháp luật dùng hình phạt để điều chỉnh hành vi của con người, xác định ranh giới phải làm, không được làm và được làm thì đạo đức xác định giới hạn cho điều thiện và điều ác, hướng con người đến sự tự giác tuân thủ, xác lập những hành vi nên làm và không nên làm và được điều chỉnh bằng dư luận xã hội và lương tâm của chủ thể hành động. Trong trường hợp này, hành vi của bệnh nhân thứ 17 nên làm đó là tự giác khai báo y tế, không được giấu bệnh.

Chống dịch COVID-19: Đừng biến mình là nạn nhân lẫn tội đồ - Ảnh 3.

Bênh nhân số 17 bị cộng đồng chí trích cho dù bản thân cũng đang là nạn nhân của dịch COVID-19

Như vậy, chưa xét đến các quy định của pháp luật thì cô gái cũng đã bị dư luận xã hội phán xét mà sự phán xét ấy có khi còn nặng nề hơn cả hình phạt pháp luật. Âu đây cũng là bài học đắt giá.

    Mức độ lan truyền dịch bệnh ít hay nhiều phụ thuộc vào hành vi, ứng xử của con người. Nếu mỗi người đều có sự quan tâm, lo lắng cho người khác, khai báo y tế đầy đủ, không trốn cách ly, tích cực phòng bệnh cho bản thân và gia đình, cộng đồng, nếu mỗi người ai cũng tuân thủ điều hành của Nhà nước, không làm loạn lên gây hoang mang cho cộng đồng, tin tưởng, tạo điều kiện cho Chính phủ trong phòng chống dịch… Hẳn virus corona sẽ bị nhanh chóng đẩy lùi. Đừng để mình trở thành "tội đồ" khi vô tình hay hữu ý phát tán bệnh dịch do không tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế. Biết rằng bản thân người đó cũng là nạn nhân của virus đáng sợ… Việt Nam đã chữa khỏi 16/16 ca nhiễm trước đó. Chúng ta tin tưởng sẽ bắt đầu cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 bằng những kinh nghiệm đã có và trách nhiệm, ý thức cao của mỗi người dân trong cuộc chiến này.

Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Điều 10 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Hành vi này cũng được quy định tại Điều 240 (Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Theo đó, khung hình phạt là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp dẫn đến phải công bố dịch và làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn