Chồng lấy tiền của vợ bị khởi tố và những tranh cãi về pháp lý

16:02 | 21/06/2022;
Những ngày qua, vụ việc một người chồng ở Vĩnh Long bị khởi tố vì lấy trộm tiền của vợ đã gây nên tranh cãi gay gắt về mặt pháp lý. Đây là câu chuyện khá hi hữu bởi ở Việt Nam vẫn thường quan niệm “tiền của vợ là tiền của chồng, tiền của chồng cũng là tiền của vợ”.

Ngày 2/6/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Được (SN 1978, ngụ xã Tân Bình, huyện Bình Tân) để điều tra về hành vi "trộm cắp tài sản". Đáng chú ý ở vụ án này là việc Được bị khởi tố và bắt giam vì lấy trộm tiền của vợ.

Theo kết quả điều tra, vào ngày 9/3, lợi dụng lúc chị Nguyễn Thị Niêm (là vợ của Được, SN 1977) vắng nhà, Được đã lấy máy xăng để trước cửa nhà nổ máy, gây tiếng ồn, sau đó dùng búa, đục và xà beng cạy khóa két sắt để trong phòng ngủ, lấy đi số tiền và nữ trang trị giá gần 500 triệu đồng. Sau khi lấy trộm tài sản, Được đã mang đến một nhà trọ thuộc tỉnh Kiên Giang để lẩn trốn. Quá trình điều tra, Công an huyện Bình Tân đã phối hợp với Công an tỉnh Kiên Giang bắt giữ Được. Theo lời khai của chị Niêm, trong số tài sản bị trộm có gần 200 triệu đồng là tiền chị cất giữ cho mẹ ruột, số tiền còn lại là tài sản chung của vợ chồng Được.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), nếu chị Niêm chứng minh được số tiền 200 triệu đúng là tài sản riêng của mẹ chị gửi thì bị cáo Được bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp là chính xác. Trong trường hợp không chứng minh được, nghĩa là tài sản Được lấy đi là tài sản chung của vợ chồng thì sẽ không truy cứu Được về tội "trộm cắp tài sản".

Về số tài sản còn lại, có ý kiến cho rằng, do Được có hành vi lén lút tạo hiện trường giả, dùng búa phá két sắt lấy tài sản rồi bỏ trốn nên tài sản này dù là chung của hai vợ chồng thì bị cáo Được vẫn phạm vào tội "trộm cắp tài sản". Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng phản bác điều này. Theo ông Hoàng, ngoài số tiền 200 triệu chị Niêm nói là của mẹ gửi, cơ quan chức năng cần làm rõ số tiền còn lại bị cáo Được lấy đi có phải của người khác, cụ thể là của người vợ hay không? Vợ chồng Được chưa ly hôn, tức tài sản này vẫn là tài sản chung nhưng chưa xác định được phần của mỗi người nên không thể xác định người chồng "trộm" bao nhiêu trong số tài sản bị lấy để định tội danh. "Ở Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm vợ chồng như một, tiền của vợ là tiền của chồng, tiền của chồng cũng là tiền của vợ nên đã có không ít trường hợp vợ/chồng lấy tiền mang đi tiêu xài cá nhân nhưng không thể xử lý được", luật sư Hoàng chia sẻ.

Trong khi đó, luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự) đưa ra quan điểm: Để xác định người chồng phạm tội gì thì cần phải làm rõ được số tiền bị cáo Được lấy là tài sản chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của chị Niêm. Trường hợp tài sản Được lấy là tài sản chung của vợ chồng, căn cứ tại khoản 2,3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng"; "Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung". Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung cũng vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi hôn nhân chấm dứt về mặt pháp lý (ly hôn; một bên vợ, chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết).

Tại khoản 2, Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, nêu rõ: "Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình".

Pháp luật mới chỉ quy định rằng, trong trường hợp vợ hoặc chồng tự ý định đoạt các tài sản chung thuộc 3 trường hợp trên mà không có sự thỏa thuận bằng văn bản với người còn lại thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, tài sản mà Được lấy đi lại không thuộc 3 trường hợp nêu trên. Trong khi đó, pháp luật hiện hành lại không đề cập đến tình huống vợ hoặc chồng tự ý định đoạt các tài sản chung không thuộc 3 trường hợp nêu trên thì sẽ giải quyết như thế nào.

Ngoài ra, do tài sản bị lấy đi là tài sản chung của vợ chồng nên không thể buộc tội "trộm cắp tài sản" đối với bị cáo Được. Bởi, Bộ luật Hình sự đã quy định rõ: Hành vi trộm cắp là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt. Trong trường hợp này, tài sản của vợ chồng là tài sản chung được người vợ là chị Niêm cất giữ, quản lý nhưng bị người chồng là anh Được lấy đi nhằm mục đích cá nhân. Tài sản anh Được lấy không phải tài sản của người thứ ba nên hành vi của người chồng không cấu thành tội "trộm cắp tài sản" theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Vì vậy, mặc dù hành vi của anh Được là không đúng nhưng do số tiền bị lấy đi là tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hay chế tài cụ thể nào nên không thể xác định tội danh cụ thể đối với hành vi Được gây ra.

Trường hợp tài sản anh Được lấy là tài sản riêng của vợ. Nếu chứng minh được số tiền 200 triệu là của mẹ chị Niêm gửi và tài sản mà Được lấy trộm là tài sản riêng của chị Niêm, hành vi lấy tiền của bị cáo Được bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản. Với hành vi đó, bị cáo sẽ bị kết tội "trộm cắp tài sản", với khung hình phạt là từ 07 năm đến 15 năm tù. Cụ thể, điểm a, khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng". Bên cạnh đó, theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi bạo lực về kinh tế trong gia đình thì: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: "Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn