Chồng mất vì tai nạn giao thông, người vợ tàn tật gắng gượng nuôi các con khôn lớn

12:15 | 09/10/2020;
Trời nhá nhem tối, tại căn nhà 2 gian nằm sâu trong ngõ ở thôn Nam Bản, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), chị Lê Thị Thúy vừa gấp hộp các-tông thuê, vừa dùng chiếc ghế nhựa có tay cầm thay nạng, nhanh nhẹn đẩy xoong cơm xuống bếp vo gạo.

1 chân của chị đã cụt đến bẹn, chân còn lại khẳng khiu, chằng chịt những vết sẹo. "Mới đầu tập đi bị ngã nhiều, chứ giờ tôi quen rồi" - chị Thúy khẽ cười tâm sự.

Năm 2004, chị Thuý kết hôn với anh Đỗ Đình Mạnh, 1 năm sau, vợ chồng chị vui mừng đón con gái đầu lòng Đỗ Thị Kiều Trang. Dù cuộc sống khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng làm lụng.

Tháng 8/2007, chỉ vài ngày sau khi anh Mạnh hào hứng khoe với bố mẹ hai bên việc vợ mang bầu bé thứ 2 được 4 tuần, trên đường đi đón bà nội về nhà, xe máy của anh đã va chạm với ô tô khiến anh Mạnh tử vong tại chỗ. 

"Vụ tai nạn xảy ra tại Cầu Cát (thị trấn Hương Canh) cách nhà chừng 10km. Lúc đó, tôi đang làm việc tại nhà máy gạch, bác hàng xóm đến báo chồng tôi gặp tai nạn bị thương nặng lắm rồi chở tôi về. Họ giấu chuyện anh ấy đã tử vong ở hiện trường vì sợ tôi bị sốc. Về đến cổng nhà, thấy mọi người đang chuẩn bị tang lễ, tôi bủn rủn tay chân, ngã quỵ", chị Thúy nhớ lại.

Sinh bé gái thứ 2 được vài tháng, chị lại gửi 2 con cho ông bà nội rồi miệt mài đi làm, tăng ca đến 12 tiếng/ngày, song mỗi tháng cũng chỉ được 3 triệu đồng tiền lương. Chị Thúy cho biết, căn nhà này được xây sau khi chồng chị mất, từ số tiền đền bù tai nạn và chị vay thêm của ngân hàng. "Có mấy chục triệu đồng nên tôi chỉ đủ xây 2 gian nhà. Lúc ấy vừa lắp được cánh cửa chính, chưa góp được tiền làm cửa sổ thì năm 2012, trong ca làm việc tại nhà máy gạch, tôi bị máy nghiền nát 1 chân đến tận bẹn, còn 1 chân nham nhở vết chém", chị Thúy kể.

Chồng mất vì tai nạn giao thông, người vợ tàn tật gắng gượng nuôi các con khôn lớn - Ảnh 1.

Chồng mất vì tai nạn giao thông, chị Thuý gắng gượng nuôi các con khôn lớn

Chân trái của chị một thời gian sau bị hoại tử vết thương, phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, đến giờ teo lại chỉ còn da bọc xương, khẳng khiu, chằng chịt những vết sẹo.

Chị Thúy bị cụt 1 chân, chân còn lại bị ảnh hưởng nặng nề, biến dạng, yếu ớt, phải nằm một chỗ suốt 1 năm, nương tựa bố mẹ chồng và anh em gần xa. Năm 2013, thương bố mẹ già yếu phải chăm mình từng miếng ăn, chị gắng gượng ngồi dậy, dần dần tự lo được cho sinh hoạt cá nhân, lau nhà, nấu cơm, giặt quần áo, làm chỗ dựa tinh thần cho các con.

Thương mẹ nên 2 cháu Đỗ Thị Kiều Trang và Đỗ Thị Tú Quỳnh đều rất chăm ngoan, chịu khó học, nhiều năm liền nhận giấy khen học sinh giỏi và được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Vừa đi học về đến nhà, cháu Trang (học sinh lớp 10) nhanh nhẹn vào bếp phụ mẹ nấu cơm chiều. Trang chia sẻ: "Con muốn thi đỗ vào trường Đại học Y, trở thành bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và có tiền để thay mẹ chăm sóc em sau này". "Con bé mong ước thế, nhưng tôi chỉ dám động viên con cứ cố gắng học xong cấp 3, rồi mẹ tính tiếp", chị Thúy đỡ lời con.

Chồng mất vì tai nạn giao thông, người vợ tàn tật gắng gượng nuôi các con khôn lớn - Ảnh 2.

Bữa cơm đạm bạc của 3 mẹ con chị Thúy

Chị Thuý tâm sự, hiện mẹ con chị chỉ biết trông chờ vào 2 triệu đồng tiền bảo hiểm và trợ cấp dành cho 3 mẹ con. Có tháng chi tiêu sinh hoạt và tiền học cho con không đủ, chưa kể khoản nợ và tiền lãi ngân hàng chưa trả xong, chị Thúy phải vay mượn thêm từ hàng xóm, bạn bè. "Tôi mượn rồi tháng sau có trợ cấp lại trả luôn, hết tiền lại vay tiếp. Nhờ mọi người giúp đỡ nhiều, nên các cháu mới được học hành đến bây giờ. Song, bọn trẻ càng học lên cao, chi phí càng lớn, không biết tôi có thể lo cho các con học tiếp được đến khi nào", chị Thúy thở dài.

Chị bộc bạch: "Giờ tôi chỉ mong có một công việc làm tại nhà ổn định hơn để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và mong sao các con không phải bỏ dở học hành để mưu sinh!".

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ: Chị Lê Thị Thúy (thôn Nam Bản, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), số điện thoại: 0394.468382, số TK: 0361000245909 - chủ tài khoản Nguyễn Thị Út (cháu chị Thúy), Ngân hàng Vietcombank.

* Xem thông tin chi tiết về Chương trình trên Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử: www.phunuvietnam.vn, website: www.mottainai.com.vn

và các fanpage:

https://www.facebook.com/baophunuvn/; https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/

* Hotline: 0243.9713500.

Từ ngày 1/10/2020, mời bạn: Ủng hộ bằng tiền mặt, gửi về: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Số tài khoản: 114000000909 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị ghi rõ: Ủng hộ Mottainai). Truy cập fanpage: https://www.facebook.com/baophunuvn để xem livestream đấu giá sản phẩm vào 11h30 thứ 6 hàng tuần, mua đồ online, giới thiệu các trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn và trực tiếp tham gia các hoạt động của chương trình.

Chồng mất vì tai nạn giao thông, người vợ tàn tật gắng gượng nuôi các con khôn lớn - Ảnh 6.

4 đại sứ Mottainai 2020 là những người nổi tiếng cùng lan tỏa thông điệp nhân văn

THÔNG ĐIỆP TỪ MOTTAINAI

* "Mottainai" xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật, có nghĩa là "Lãng phí quá!". Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực…) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.

* Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.

* Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong "4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa".

DẤU ẤN MOTTAINAI

* Là cộng đồng ủng hộ đồ đã qua sử dụng vì mục tiêu nhân đạo lớn nhất Việt Nam với hơn 200.000 người tham gia;

* Các hình thức ủng hộ, quyên góp đa dạng: trực tiếp, online…

* Hơn 4.000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông được hưởng lợi.

* Được Bộ Thông tin & Truyền thông và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Sáng tạo vì sự phát triển bền vững năm 2017.

* Được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trao Bằng khen vì những đóng góp trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn