Chồng nghỉ làm cả tháng ở nhà chăm vợ đẻ, ngày ngày nấu cơm cữ đủ dưỡng chất

06:38 | 23/09/2022;
Vẫn có đầy đủ ông bà nội ngoại nhưng khi vợ đẻ, "anh chồng quốc dân" vẫn nghỉ làm cả tháng ở nhà chăm vợ và nấu những bữa cơm cữ đầy đủ dưỡng chất.

Mới đây, trên hội nhóm các mẹ bầu, một facebook tên Hồng Hạnh đã chia sẻ những hình ảnh về mâm cơm cữ đơn giản nhưng đa dạng đầy đủ thịt cá, rau xanh, hoa quả… được chính chồng cô nấu.

Ngay lập tức những chia của bà mẹ trẻ Hồng Hạnh đã được cư dân mạng chú ý. Nhiều mẹ bầu và các mẹ bỉm sữa phải thốt lên:

Có ông bà nội ngoại nhưng dù sao vợ chồng chăm nhau vẫn hạnh phúc nhất nhỉ. Mặn nhạt gì ăn cũng đều thấy ngon hơn. Cơm vợ nấu hay cơm chồng nấu vẫn là bữa cơm ngon với những người yêu thương nhau”, facebook Nguyễn Hà Phương nói.

“Bạn có phúc quá”, “Xin vía được chồng chăm tốt như chị”, “Cả 1 bầu trời yêu thương mà anh ấy dành cho bạn”, “Chồng nhà người ta”… là những nhận định của các mẹ bỉm sữa khác. 

Những mâm cơm cữ chồng nấu cho vợ ăn đơn giản mà đa dạng, đủ dưỡng chất. (Ảnh: NVCC)

Kết nối với chị Hồng Hạnh - chủ nhân được hưởng những mâm cơm cữ giàu dinh dưỡng trên, chị cho biết hiện tại đang ở Cao Phong, Hòa  Bình. Hai vợ chồng chị hiện đang kinh doanh một quán ăn.

Nhắc tới anh xã, chị Hạnh kể: “Mình với chồng quen và lấy nhau được 7 năm rồi. Từ ngày đám cưới về, anh toàn nấu ăn. Khi vợ đẻ anh cũng đóng cửa hàng cả tháng để ở nhà chăm vợ. Anh thường bảo, lúc này mới là lúc vợ cần chồng bên cạnh nhất. Mình thấy rất hạnh phúc và thoải mái vì có chồng ở bên và được nuôi con thoải mái theo ý mình”.

Bé trai hơn 2 tháng tuổi của mẹ Hạnh (Ảnh: NVCC)

Suốt gần 1 tháng vợ ở cữ, anh xã Hạnh không ngày nào là không chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho vợ đẻ. Sáng nào Hạnh cũng được chồng nấu phở, cháo hoặc mua đồ ăn sáng ở ngoài mang về. Bữa trưa và tối thì nấu ăn rất đầy đủ, đa dạng các món. Nhìn các món có thể đơn giản nhưng đủ chất dinh dưỡng khiến vợ đẻ có sữa mẹ tràn trề để nuôi con.

Theo chị Hạnh chia sẻ, anh xã trước đây học nấu ăn nên mới mở quán ăn nhỏ. Không chỉ nấu cho vợ khi ở cữ mà anh còn nấu ăn cho cả nhà vào cả những ngày thường. Ngoài cơm nước ra, người đàn ông này còn phụ vợ chăm con, giặt giũ, chăm sóc vết thương vùng kín cho vợ mặc dù hàng ngày nhà vẫn có bà ngoại xuống phụ giúp tất cả mọi việc.

Do được chồng chăm sóc chu đáo, tinh thần lại thoải mái trong suốt thời gian ở cữ nên sữa mẹ về rất nhiều. Con bú không hết toàn phải vắt đi. Bản thân Hạnh cũng không quá kiêng khem khi mang thai và ở cữ. Cô chỉ ăn chín uống sôi, đặc biệt là ăn đủ chất.

Vợ chồng Hạnh 

Được biết, Hạnh sinh thường con trai đầu lòng kháu khỉnh lúc con được 38 tuần 4 ngày. Vì đẻ thường cũng đau nhiều nhưng rất nhanh qua khi nhìn thấy con yêu chào đời khỏe mạnh. Hiện con yêu của Hạnh đã được hơn 2 tháng tuổi và mẹ con cô sau 1 thời gian ở cữ nhà nội đã về ở cữ nhà ngoại.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh

- Ăn nhiều thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là thức ăn có chứa nhiều protein, canxi, sắt như: thịt bò, trứng, sữa, gan và thận động vật; các sản phẩm từ đậu có thể nấu canh với xương heo, giò heo là những thức ăn có hàm lượng canxi rất cao.

- Phối hợp ăn uống hợp lý. Dinh dưỡng của sản phụ phải toàn diện, không thể ăn theo ý thích của mình, cũng không phải ăn nhiều quá một loại thực phẩm. 

- Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và ít kích thích; tránh táo bón vì nếu để táo bón lâu ngày sẽ dẫn đến trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa tử cung.

- Không kiêng cữ một cách thái quá. Thời kỳ cho con bú, dinh dưỡng phải đủ về mọi mặt mới đáp ứng nhu cầu của bản thân và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

- Ăn uống hợp vệ sinh, 5-7 ngày sau khi sinh nên ăn những thức ăn mềm, không ăn quá nhiều dầu mỡ như thịt gà (có da), giò heo... Sau 7 ngày có thể ăn các món như cá, thịt, trứng gà nhưng không nên ăn quá no trong vòng một tháng sau khi sinh mà ăn làm nhiều bữa trong ngày.

- Tránh xa những thức ăn cay nóng như: hành, ớt, hồi hương, hẹ, rượu... vì dễ làm cho sản phụ bốc hoả và có thể ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, làm cho trẻ bị nóng trong người. Cũng không nên ăn thức ăn sống, lạnh vì dễ làm tổn thương dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá. Ngoài ra, thức ăn sống lạnh dễ tạo máu bầm làm đau bụng sau khi sinh.

- Ngoài 3 bữa chính, sản phụ nên ăn nhiều bữa phụ với các loại thực phẩm dễ tiêu như mì, cháo để tăng lượng sữa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn