Chồng sắp cưới cương quyết "tiền ai nấy tiêu" sau khi kết hôn, phải làm sao?

13:16 | 10/08/2023;
Lời tự vấn "Liệu tôi có sai khi cảm thấy bị lừa dối chỉ vì anh ấy từ chối san sẻ chuyện tài chính sau khi kết hôn?" là hoàn toàn dễ hiểu trong hoàn cảnh này.

Mới đây, một cô gái đã chia sẻ câu chuyện có phần bế tắc của mình trên Dailymail. Giống như nhiều cặp đôi sắp về chung một nhà, cô nàng và chồng sắp cưới cũng ngồi thảo luận chuyện tài chính sau khi kết hôn.

Điều cô không thể ngờ tới chính là vị hôn phu - người có thu nhập hàng năm cao gấp 4 lần cô, lại từ chối chia sẻ tài chính, ngay cả khi hai người có con.

"Có một điều chắc chắn rằng không phải tôi là người không kiếm được tiền. Thu nhập hàng năm của tôi rơi vào khoảng 80.000 đô (gần 1,9 tỷ đồng), còn của anh ấy là 320.000 đô (gần 7,7 tỷ đồng). Nhưng việc không san sẻ tài chính với nhau chẳng phải là có phần kỳ cục quá hay sao?" - cô gái chia sẻ.

Người đàn ông này cương quyết hai người vẫn dùng riêng 2 tài khoản sau khi kết hôn và từ chối mọi sự "chung đụng tiền nong". Lời giải thích mà anh đưa ra đơn giản đến mức cô gái không thể hiểu nổi: "Anh cần giữ tiền để đầu tư".

Chồng sắp cưới cương quyết "tiền ai nấy tiêu" sau khi kết hôn, phải làm sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cô gái cảm thấy như mình đã bị lừa và thậm chí còn tự vấn rằng cảm giác này có phải là sai trái, ích kỷ quá hay không.

Câu chuyện của cô gái thu hút hơn 161 bình luận và hơn 500 lượt chia sẻ chỉ sau 4 tiếng đăng tải. Phần lớn mọi người đều cho rằng hành xử của vị hôn phu là không hợp lý. Những lời khuyên của cộng đồng mạng cho trường hợp của cô nàng có thể gói gọn trong 2 gạch đầu dòng dưới đây.

1. Lập tài khoản tiết kiệm và tài khoản chi tiêu chung

"Tôi không đồng tình với việc chồng phải đưa hết toàn bộ thu nhập cho vợ sau khi hai người kết hôn, nhưng tôi cũng không thể đồng tình với quan điểm của chàng trai trong câu chuyện này.

Giải pháp hợp tình hợp lý nhất có lẽ là mỗi người chia thu nhập của mình làm 3 phần: 1 phần dành cho khoản tiết kiệm chung, 1 phần dành cho các khoản chi tiêu chung, 1 phần dành cho các sở thích cá nhân bao gồm cả việc đầu tư" - một người dùng bình luận.

Người dùng này cũng không quên nhấn mạnh rằng nếu anh ta vẫn không đồng ý với việc lập tài khoản tiết kiệm và tài khoản chi tiêu chung, hãy cân nhắc lại việc kết hôn.

2. Cùng nhau chia sẻ chi phí trong quá trình mang thai và nuôi con

"Tiền ai nấy tiêu chỉ là phương án khi hai người chưa có con mà thôi. Tôi nghĩ rằng bạn nên trao đổi rõ ràng về việc chuẩn bị và chia sẻ tài chính khi có con, từ lúc bạn có thai cho tới khi em bé chào đời và cả sau đó nữa" - một người dùng khác bình luận.

Dailymail cũng trích lại kết quả một cuộc nghiên cứu được tiến hành vào năm 1970: "Các cặp vợ chồng có tài khoản ngân hàng chung thường có mối quan hệ bền vững hơn vì họ không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những cặp vợ chồng không có thói quen tiết kiệm chung có khả năng ly hôn cao hơn khi một trong hai người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp khủng hoảng tài chính".

Mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau về việc duy trì, xây dựng nền tảng tài chính trong hôn nhân. Vợ là "tay hòm chìa khóa" hay "tiền ai nấy tiêu" là quyết định của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, không thể phân định đúng sai.

Chỉ có một điều chắc chắn: Cùng nhau tiết kiệm, san sẻ tài chính trong quá trình mang thai, nuôi con là biểu hiện của những ông bố bà mẹ có trách nhiệm với tương lai của đứa trẻ và với người bạn đời của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn