Chống tham nhũng cần sự ‘liêm chính’ của các doanh nghiệp

11:31 | 07/03/2019;
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp không thể “ăn xổi” mà cần phải có những giải pháp mang tính bền vững thì mới có thể tham gia cuộc chơi dài hơi trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây cũng được cho là công cụ cần thiết để kiểm soát vấn nạn tham nhũng hiện nay.
* TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tại Việt Nam, thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống quản trị có cơ chế đảm bảo sự liêm chính trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn tham gia vào thị trường thế giới thì cần phải đầu tư cho hệ thống kiểm soát để đảm bảo sự liêm chính trong doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu.
 
vutienloc2.jpg
TS Vũ Tiến Lộc: "Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp"
 
Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp.
 
Muốn thực hiện được phòng chống tham nhũng hay thực hiện liêm chính doanh nghiệp thì bên cạnh khát vọng, mong muốn, mục tiêu hướng tới, cần phải có những mô hình, công cụ và công nghệ. Hiện nay, VCCI đã nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ quy tắc ứng xử để các doanh nghiệp có thể áp dụng được một cách đơn giản để góp phần xây dựng doanh nghiệp liêm chính.
 
* PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân: Nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam” của chúng tôi cho thấy, chỉ khoảng một nửa trong số 239 doanh nghiệp được khảo sát cho biết hiểu rõ về kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
 
 
nguyenvanthang.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được nguỵ trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25 - 30% trong các giao dịch kinh doanh"

 

Số doanh nghiệp còn lại hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về 2 khái niệm này, thậm chí có doanh nghiệp còn cho rằng kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ chứ không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp.
 
Kết quả khảo sát cho thấy, 74% doanh nghiệp trên toàn mẫu khảo sát tin rằng các doanh nghiệp cùng ngành cũng phải trả các chi phí không chính thức trong năm 2017 - 2018. Đặc biệt, gần 57% doanh nghiệp cho rằng việc chi trả các chi phí không chính thức mang lại kết quả tốt hơn khi làm việc với cán bộ công chức, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ là 11%. 32% doanh nghiệp không có ý kiến.
 
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được nguỵ trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25 - 30% trong các giao dịch kinh doanh. Theo đó, một phần ba số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh.
 
* Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam: Thúc đẩy môi trường kinh doanh tập trung vào lĩnh vực liêm chính doanh nghiệp tiếp tục là một trong những ưu tiên của Vương quốc Anh tại Việt Nam. Tôi cho rằng để các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của thực hiện liêm chính và minh bạch thì cần phải có lộ trình cụ thể, tránh gây “sốc” cho các doanh nghiệp.
 
 
garethward.jpg
Đại sứ Anh Gareth Ward: "Tôi cho rằng để các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của thực hiện liêm chính và minh bạch thì cần phải có lộ trình cụ thể, tránh gây “sốc” cho các doanh nghiệp"

 

Thực tế, nước Anh cũng đã phải trải qua một thời gian rất dài mới có thể làm được điều này. Luật chống hối lộ 2010 là công cụ pháp lý quan trọng nhất trong việc phòng chống tham nhũng của Vương quốc Anh. Sự ra đời của Luật được đánh giá là việc thể hiện vai trò hàng đầu của Anh trong việc xóa bỏ tham nhũng và hỗ trợ sự phát triển thương mại quốc tế.
 
Luật cũng thể hiện chính sách xử lý nghiêm khắc và toàn diện đối với các hành vi hối lộ nói chung và hối lộ trong kinh doanh nói riêng (tăng mức phạt tù cao nhất lên 10 năm so với 7 năm theo Luật cũ). Trên cơ sở đó, năm 2011, Bộ Tư pháp Anh đã ban hành hướng dẫn về những thủ tục (biện pháp) mà các tổ chức thương mại liên quan có thể áp dụng để ngăn ngừa hối lộ.
 
Hằng năm, chúng tôi vẫn tổ chức những đợt tập huấn cho các doanh nghiệp với nội dung chủ yếu như hướng dẫn xác định các chính sách, biện pháp phòng ngừa hối lộ cần được thực thi một cách thích đáng, đưa ra các nguyên tắc bắt buộc các tổ chức thương mại phải áp dụng như cam kết cấp cao, đánh giá nguy cơ, kiểm soát và giám sát.
 
* Bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam: Lịch sử cho thấy, tham nhũng luôn là kẻ thù phá hủy lý tưởng hoạt động của các công ty. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần nhận thức được các tiêu chuẩn đạo đức, lấy đó làm nền tảng để hoạt động, hạn chế tham nhũng ở mức thấp nhất có thể. Hội đồng quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng một văn hóa kinh doanh đúng đắn để chỉ đạo công ty sạch bóng tham nhũng và đứng ngoài các cuộc khủng hoảng.
 
 
caitlinwiesen.jpg
Bà Caitlin Wiesen: "Kiểm soát nội bộ là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu rủi ro, phát hiện gian lận, đảm bảo tuân thủ quy định, thông lệ tốt về quản trị công ty, cải thiện hoạt động quản trị nội bộ cũng như kiện toàn ban kiểm soát nội bộ vững mạnh để đủ năng lực trợ giúp hội đồng quản trị thực hiện tốt vai trò giám sát"

 

Trên thế giới, kiểm soát nội bộ là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi mắt xích quản trị doanh nghiệp. Kiểm soát nội bộ là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu rủi ro, phát hiện gian lận, đảm bảo tuân thủ quy định, thông lệ tốt về quản trị công ty, cải thiện hoạt động quản trị nội bộ cũng như kiện toàn ban kiểm soát nội bộ vững mạnh để đủ năng lực trợ giúp hội đồng quản trị thực hiện tốt vai trò giám sát.
 
Trong thương mại toàn cầu, khái nghiệm về kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng chuỗi giá trị có trách nhiệm là yêu cầu quan trọng. Một trong số đó là thực hiện liêm chính, phòng chống tham nhũng. Do đó, một doanh nghiệp muốn tham gia “cuộc chơi toàn cầu” không những cần bảo đảm tuân thủ luật pháp của quốc gia nơi doanh nghiệp đó được thành lập, mà còn cần tuân thủ luật pháp quốc tế và các qui định của các công ty đối tác nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia.
 
Singapore - một tham khảo tốt về doanh nghiệp liêm chính
 
Singapore được biết đến là một quốc gia có hệ thống quản lý trong sạch và tham nhũng ở mức độ thấp. Đây cũng là quốc gia ít tham nhũng đứng thứ 6 trên thế giới đánh giá theo Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và liên tục trong nhiều năm được xếp hạng là đất nước châu Á ít tham nhũng nhất tại các cuộc điều tra khảo sát hàng năm của.
 
Nhưng để làm được điều này, Singapore cũng phải trải qua một thời gian dài với sự áp dụng các công cụ hữu hiệu trong quản lý và giám sát. Ví dụ như vừa qua, nước này đã xem xét Bộ luật Quản trị doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của hội đồng quản trị trong việc thiết lập văn hóa, giá trị và tiêu chuẩn đạo đức doanh nghiệp phù hợp với tất cả các cấp của công ty.
 
Theo nguyên tắc cơ bản của bộ luật này, hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quản lý rủi ro và bảo đảm việc duy trì một hệ thống đầy đủ và hoàn chỉnh về quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ. Cụ thể, hội đồng quản trị công ty phải có sự giám sát cẩn thận, thực thi nghiêm ngặt và đưa ra hình phạt nghiêm khắc với vi phạm, bao gồm sa thải, báo cho cơ quan hữu quan và công khai vi phạm.
 
Quan trọng hơn, cả hội đồng quản trị và lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp phải là những người đi đầu làm gương thông qua các hành động cụ thể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn