"Chốt” phương án xử lý hình sự với trẻ phạm tội

16:14 | 20/06/2017;
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi “chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” – là phương án đa số ĐBQH bỏ phiếu tán thành chiều nay 20/6.

 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13


Chiều nay 20/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Với 439 đại biểu tán thành (89,41%), Quốc hội đã thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật này.

Trong đó, khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều” 123 (tội giết người), 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 141 (tội hiếp dâm), 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), 143, 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), 150, 151, 168, 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản)…

Trước đó, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 về “Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật)”, có 2 nhóm ý kiến:

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).

Một số ý kiến đề nghị giữ khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015, vì cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.

Biểu đồ tỷ lệ người phạm tội theo lứa tuổi 


Theo bà Lê Thị Nga, trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể liệt kê tại khoản 2 Điều 12 để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Sau nhiều phiên thảo luận, tại Kỳ họp thứ 3, ý kiến của các vị ĐBQH vẫn còn khác nhau. Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị ĐBQH về nội dung này.

Kết quả cho thấy, có 276/435 ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 12.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn