Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản

20:13 | 19/07/2018;
“Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản” là chủ đề hội thảo Báo Thanh Niên tổ chức mới đây. Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, bong bóng BĐS khó xảy ra vào năm 2019.

Năm 2019 rơi đúng vào chu kỳ 10 năm (1979, 1989, 1999, 2009) của các lần khủng hoảng trước đó, tuy nhiên có rất nhiều dấu hiệu cho thấy "lời nguyền" chu kỳ khó xảy ra đối với thị trường BĐS.

h1_toan-canh-hoi-thao.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 18/7/2018

Thứ nhất, cung - cầu thị trường BĐS diễn biến khá ổn định, thực tế nhu cầu về nhà ở tăng mạnh tại các thành phố lớn, đặc  biệt là tại TPHCM, nơi có sự tăng trưởng nhanh về tầng lớp trung lưu. Hiện mỗi năm thành phố tăng thêm khoảng 500.000 dân, trong đó 250.000 là dân nhập cư nhưng nguồn cung căn hộ chỉ khoảng 10.000 căn/năm, chỉ đáp ứng khoảng 5 – 10% nhu cầu về nhà ở.

Thứ hai, thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang thu hút nguồn vốn đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam có hình dáng của các đô thị khổng lồ như phố đông Thượng Hải (Trung Quốc) 40 năm trước. Với quy mô dân số đạt trên 100 triệu dân, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn nhiều cơ hội lớn cho việc đầu tư phát triển BĐS như Thượng Hải đã từng trải qua. Thế nên dù đã tăng trưởng khá mạnh trong 3 năm qua nhưng 6 tháng đầu năm 2018, lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào BĐS khoảng 3,28 tỉ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, trong 2 năm nay, đã có một số biện pháp vĩ mô, cải cách tương đối mạnh mẽ từ Chính phủ đã kịp thời “phanh” lại bất ổn có thể dẫn đến khủng hoảng nói chung.

h2a_ong-chau-hh-bds-tphcm.jpg
Ông Lê Hoàng Châu (giữa) - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - nhận định về thị trường BĐS năm 2019

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - cho biết: “6 tháng đầu năm 2018, có rất ít doanh nghiệp tung sản phẩm mới ra thị trường, cụ thể nguồn cung sụt giảm từ 30 đến 60% tùy theo từng phân khúc. Cũng trong giai đoạn này, có dấu hiệu phát triển nóng: sốt giá đất nền và phân khúc condotel. Tuy nhiên, đến giữa năm 2018 thì tình trạng này đã được ngăn chặn kịp thời”. 

Theo ông Châu, chu kỳ 10 năm khủng hoảng BĐS sẽ khó xảy ra vào năm 2019 bởi những lý do: nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định; ngân hàng nhà nước chủ trương tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng, chặt chẽ; tình trạng lệch pha cung –  cầu chưa đến mức phá vỡ cân bằng trên thị trường, chỉ lệch pha một số phân khúc (cao cấp, đất nền, condotel); nhà nước sử dụng công cụ quản lý để điều chỉnh thị trường một cách linh hoạt, hiệu quả. Do đó, trước bối cảnh các bên tham gia thị trường đều khá thận trọng thì khó có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS vào năm 2019.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn