Anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1991), chủ nhà hàng Fúc "béo" (đường Nguyễn Thị Lưu, TP. Bắc Giang) chứng kiến cảnh các y bác sĩ vất vả ngày đêm để chống dịch anh mong muốn được góp sức nhưng không biết làm cách nào. Có xin vào tâm dịch thì anh cũng chẳng biết làm.
Tối ngày 17/5, anh thấy một nhóm y sĩ đến hỏi mua cơm. Anh hỏi ra thì được biết, đó là đoàn y bác sĩ với 15 thành viên từ Yên Bái mới về hỗ trợ Bắc Giang chống dịch và ở lại nhà nghỉ ngay cạnh cửa hàng của anh. Thấy vậy, anh đề nghị Sở Y tế được nhận nấu cơm phục vụ riêng cho cho các bác sĩ. Đồng thời, Anh Phúc cũng cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách; vệ sinh nhà hàng, bếp ăn thường xuyên.
Khi được Sở Y tế Bắc Giang đồng ý, anh luôn cố gắng để các y bác sĩ có bữa cơm nóng đủ chất dù họ về muộn hay sớm. Mỗi bữa cơm, anh thường nấu 2-3 món thay đổi để các y bác sĩ, nhân viên y tế lựa chọn. Cũng có hôm thấy đoàn đi làm về khuya, ăn cơm không nổi nên anh phục vụ món cháo xương hầm, cháo gà hoặc mỳ.
"Lúc đầu, đoàn cán bộ y tế đề nghị thanh toán chi phí. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cảm ơn họ còn không hết, nhận tiền sao được. Không thể lên tuyến đầu chống dịch nên tôi cố gắng là hậu phương vững chắc. Đây cũng là cách chung tay cùng các lực lượng chống dịch. Biết được việc làm của tôi, một số bạn bè ở xa còn liên hệ gửi tiền, nước uống, mỳ tôm, sữa tươi để cuối ngày làm việc, các bác sĩ có thêm đồ ăn nhẹ cho vơi bớt mệt nhọc", anh Phúc chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đời sống của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang gặp nhiều khó khăn. Để chia sẻ với họ, người dân địa phương đã có nhiều hành động thiết thực.
Thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) là một trong địa phương được lợi khi có nhiều nhà máy xây dựng và hoạt động tại đây. Với số lượng công nhân tập trung lên đến hàng chục ngàn người, người dân địa phương đã phát triển các dịch vụ thiết yếu để phục vụ công nhân, trong đó có xây phòng trọ. Khi dịch Covid-19 tràn qua, công nhân bị ảnh hưởng, người dân địa phương bảo nhau tìm cách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người thuê trọ.
Chị Đỗ Thành Hiền, tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) cho biết, gia đình chị có 21 phòng cho thuê với 45 công nhân ở trọ. Khi nhà máy dừng hoạt động, công nhân không có thu nhập lại ở trong vùng cách ly nên hầu hết đều thiếu thốn. Thấy vậy, vợ chồng chị quyết định chỉ thu một nửa tiền thuê phòng cho toàn bộ công nhân cho đến khi họ đi làm trở lại. Công nhân thuê trọ biết vậy mừng lắm.
Chị Lăng Thị Thu, quê ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang, đang thuê trọ nhà chị Hiền) chia sẻ: "Lúc khó khăn này thì khoản tiền phòng trọ chúng tôi lo nhất. Được chủ nhà giảm tiền thuê chúng tôi vơi bớt gánh nặng. Tất nhiên, chủ nhà tốt với mình như thế, chúng tôi cũng sẽ gắn bó với khu trọ này hơn".
Một chủ nhà trọ khác là anh Thân Văn Giang (thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên) thì lại có cách hỗ trợ khác. Trước khi quyết định hỗ trợ, anh đã gặp từng công nhân trọ tại 15 phòng của gia đình để nắm bắt tình hình đời sống của họ. Ai có khó khăn gì đều được anh giúp đỡ bằng hình thức phù hợp. Người kẹt tiền thì chủ nhà trọ miễn tiền thuê, người thiếu nhu yếu phẩm anh kết nối với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ. Thậm chí, một số công nhân vừa đi làm nên chưa có lương, anh Giang chia sẻ với họ bữa ăn hằng ngày cùng gia đình hay giúp họ cân gạo, thùng mỳ.
"Trong lúc khó khăn, chúng tôi cùng chia sẻ với công nhân để họ an tâm phối hợp cùng chính quyền địa phương chống dịch. Đó cũng là cách để chủ nhà và người thuê trọ gắn bó hơn", anh Giang chia sẻ.
Theo Hội LHPN Bắc Giang, trong thời gian qua, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ vùng tâm dịch. Theo đó, ngoài cán bộ, hội viên trực tiếp tham gia chống dịch, các chị em còn tham gia tiếp sức hỗ trợ lực lượng lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm. Hội viên cũng tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, kêu gọi chung tay góp sức cùng các cấp, các ngành trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài hỗ trợ trực tiếp, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chính, doanh nghiệp, cá nhân cung tay phòng dịch Covid-19. Đến nay, Hội đã tiếp nhận, phối hợp trao tặng tiền và hiện vật tổng trị giá 485,5 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ trên đã được trao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Sơn Động, Yên Thế, TP. Bắc Giang; các Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung đặt tại Trung tâm Người có công, Bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi Bắc Giang, Bệnh viện dã chiến số 2 Bộ Quốc phòng; Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang, Trường Cao đẳng Việt Hàn.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn