Dịu dàng mà cũng đầy gai góc
Audrey Diwan sinh năm 1980, là người Pháp gốc Li-băng. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí và khoa học chính trị, cô làm Giám đốc biên tập tạp chí Stylist. Bên cạnh vai trò đạo diễn, cô còn là một nhà văn. Cô từng xuất bản tiểu thuyết tâm lý xã hội "Sự giả dối" (2008), được giới phê bình đánh giá cao. Audrey Diwan cũng hoạt động với vai trò là thành viên tích cực của Hiệp hội 50/50, tổ chức đấu tranh vì bình đẳng giới và sự đa dạng trong điện ảnh và truyền thông.
Là một đạo diễn nữ thế hệ mới của Pháp, Audrey Diwan luôn trăn trở với những vấn đề xã hội đương đại. Ngay từ khi ra mắt với bộ phim đầu tay vào năm năm 2016 là "Loss it" (tạm dịch: "Mất mát"), nữ đạo diễn đã đi sâu vào đề tài tâm lý đương đại với những trạng thái cô đơn, thất lạc, giận dữ và u uất.
Phim của Audrey Diwan mang đậm vẻ dịu dàng nhưng cũng vô cùng sắc bén, khai thác các vấn đề gai góc của xã hội. Audrey Diwan xúc động phát biểu khi nhận giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice năm nay: "Tôi làm bộ phim này với sự phẫn nộ. Tôi làm với sự khát khao trong trái tim và đầu óc của mình. Tôi muốn "Happening" trở thành một trải nghiệm, một chuyến hành trình bên trong da thịt của một phụ nữ".
Một bộ phim táo bạo và đau đớn
"Happening" của Audrey Diwan dựa trên hồi ký của Annie Ernaux, viết về câu chuyện phá thai vào những năm 1960. Nhân vật chính của phim, cô gái trẻ Annie, xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân. Cô khao khát học, vì đó là cơ hội duy nhất để xây dựng tương lai cho bản thân. Cô từng nhận được nhiều sự kỳ vọng của những người thân xung quanh, từ giáo viên đến bạn bè, đến người yêu. Nhưng sau khi phát hiện có thai, cô đã bị đẩy vào trạng thái cô độc hoàn toàn. Cô không thể tìm thấy ai để chia sẻ mà không sợ bị phán xét, bị coi là kẻ hư hỏng hay tàn nhẫn.
Đạo diễn Audrey Diwan đã xây dựng nhiều trường đoạn dài trong phim nhằm tập trung vào trạng thái hỗn loạn của Annie cũng như những bước đi quyết liệt mà cô ấy buộc phải thực hiện. Audrey Diwan định hình bộ phim thành một tác phẩm đấu tranh tâm lý khắc nghiệt, trong đó nhân vật chính tham gia vào một cuộc chiến ngay cả với cơ thể của mình. Khi sự đau đớn tột cùng hiện ra trên khuôn mặt của Annie và trong tiếng kêu đau đớn của cô, nó đã đem đến một trải nghiệm đặc biệt căng thẳng cho người xem. Diễn viên Anamaria Vartolomei với vẻ đẹp "phi giới tính" kết hợp với giọng nói trầm khàn của cô đã dẫn dụ người xem vào một thế giới khác bên trong căn hộ của người phá thai, nơi bắt buộc phải im lặng đằng sau những bức tường mỏng như giấy.
Audrey Diwan tập trung vào những gì đã xảy ra, thay vì tạo ra một luân lý xung quanh nó, để khán giả mang cảm giác của chính họ vào căn phòng mà không che giấu việc Annie cố gắng phá thai một cách nguy hiểm như thế nào. Bộ phim như tiếng kêu đứt ruột của người mẹ trẻ khi định phá thai trong một thời đại mà hành vi đó là phạm pháp. Bất công xã hội được khắc họa đầy cay đắng khi cha đứa trẻ dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm, còn người mẹ đối mặt với mọi hiểm nguy: Có thể chết khi phá thai, bị chính quyền bỏ tù, bị xã hội ruồng rẫy.
Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao không chỉ vì bàn tay tự tin của Audrey Diwan trong vai trò đạo diễn và màn trình diễn mạnh mẽ của Anamaria Vartolomei mà còn vì tiếng vang kịp thời khi Đạo luật về phá thai của bang Texas (Mỹ) có hiệu lực vào ngày đầu tiên diễn ra Liên hoan phim Venice 2021, ngày 1/9.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn