Chủ quan với những biểu hiện này, bé dễ tàn phế do đau khớp

13:42 | 19/02/2018;
Tại khoa Dị ứng-Miễn dịch-Khớp của BV Nhi TƯ, không ít trẻ bị bệnh khớp được gia đình đưa đến khám và điều trị muộn. Theo các chuyên gia y tế, đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ có thể bị tàn phế.
Ở tuổi mới lớn, trẻ dễ bị đau nhức xương. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trẻ đau nhức xương do thiếu canxi nên mua canxi về cho con uống.

Bệnh nhi Nguyễn Mạnh T. (7 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ. Khi hơn 5 tuổi, T. bị đau các khớp xương, nghĩ con thiếu canxi, mẹ bé mua canxi về bổ sung cho con. T. uống canxi một thời gian thấy đỡ đau, mẹ bé nghĩ đã chữa đúng bệnh cho con. Nhưng vài tháng sau, những cơn đau của bé lại tái diễn. Cha mẹ bé lại mua canxi hay thuốc Nam cho bé uống. Thời gian gần đây, bệnh của T. có dấu hiệu nặng hơn, hai đầu gối bé bắt đầu biến dạng, sưng to, lồi ra, đi tập tễnh. Khi này gia đình mới đưa bé đến BV Nhi TƯ để khám và điều trị.
anh-bai-13.jpg
Trẻ dễ đau xương khớp ở tuổi mới lớn

Theo TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, T. không phải là cá biệt, vì có không ít trường hợp cha mẹ chủ quan, đưa trẻ đến BV muộn, khiến trẻ có thể bị tàn phế. Tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức chân tay nhẹ thoáng qua là biểu hiện thông thường hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều. Nếu trẻ bị đau sau vận động quá nhiều hoặc do va chạm với các vật cứng thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động thì cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh

Trẻ bị viêm khớp, thường bị đau khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân... Các khớp bị đau khi vận động và hết đau khi nghỉ ngơi. Tình trạng này thường là do bệnh viêm khớp đang âm thầm tiến triển, có thể gây đau không ngớt.

Ngoài ra, trẻ có thể bị cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng. Đây là triệu chứng thông thường của bệnh viêm khớp mạn tính. Cùng cứng, khớp dễ bị sưng hoặc biến dạng khớp. Bên cạnh đó, khớp có thể phát ra tiếng động lục cục khi vận động; trẻ có thể sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân.
anh-sk-la-vang.jpgTrẻ đau khớp có thể bị cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
Cũng theo TS Minh Hương, viêm khớp mạn tính thanh thiếu niên rất nguy hiểm cho trẻ, nếu phát hiện quá muộn, khi tổn thương khớp đã nghiêm trọng, sẽ dẫn đến tàn phế. Vì vậy, khi thấy có những biểu hiện bất thường về khớp như sưng, đỏ, nóng, đau, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tốt nhất là nơi có chuyên khoa xương khớp để được khám và điều trị.

TS Lê Thị Minh Hương cho biết thêm, trên lâm sàng, nếu dấu hiệu sưng khớp khó xác định thì có thể dùng siêu âm để chẩn đoán. Khi có tràn dịch, cần chọc dò để làm xét nghiệm dịch khớp trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng. Viêm khớp mạn tính ở trẻ em được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoide, ức chế miễn dịch, vật lý trị liệu…

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể bảo tồn được các khớp và hạn chế đến mức tối đa sự biến dạng khớp gây tàn phế. Tuy nhiên, các bệnh khớp tự miễn, sau khi điều trị ổn định, trẻ vẫn cần được khám khớp và theo dõi định kì theo chuyên khoa để tránh trường hợp bị lại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn