Phụ nữ Việt Nam mãi tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã tận hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng phụ nữ khỏi mọi ách áp bức, bất công. Người đã được tôn vinh là lãnh tụ tiêu biểu trong thế giới đương đại quan tâm đến vấn đề phụ nữ, đánh giá một cách khách quan vai trò, khả năng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ, luôn theo sát và cổ vũ các phong trào của phụ nữ.
Ngay từ những năm đầu thành lập nước, ngoài việc ra chỉ thị đề nghị cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam gia nhập Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên theo dõi động viên phong trào phụ nữ qua các kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc, thường xuyên góp ý với cán bộ lãnh đạo Hội về mục tiêu phấn đấu, các phong trào của Hội nhằm tập hợp, đoàn kết phụ nữ cả nước góp phần vào thắng lợi các nhiệm vụ Cách mạng nước nhà.
Từ khi trở thành người đứng đầu đất nước cho đến khi đi gặp các cụ C.Mác, Lênin vào năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần đến chúc mừng và phát biểu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc1 và nhiều lần tham dự, phát biểu tại các Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng như Lễ phát động các phong trào tiêu biểu của Hội LHPN các cấp.
Ở hết thảy các hoạt động, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp rực rỡ"2. Do vậy, để kháng chiến, kiến quốc thành công, Người yêu cầu, nhất định phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, đưa phụ nữ tham gia vào mọi công việc của đất nước. Đây là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là qua các phong trào của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, cũng như sự khẳng định của chính bản thân mỗi chị em phụ nữ.
Dù trong hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sát sao quan tâm chỉ đạo các hoạt động. Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ I (tháng 4/1950) diễn ra tại Chiến khu Việt Bắc, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng trước khi diễn ra Đại hội, Bác đã đến cơ quan Phụ vận Trung ương để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị Đại hội. Bác đã góp ý với Đoàn Phụ nữ Trung ương: "Các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của phụ nữ các tầng lớp, nói lên công lao của phụ nữ nông dân cần cù lao động sản xuất sao huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với động viên, các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ...".
Khi đến dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ III (tháng 3/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta"3.
Mặc dù không tham dự được Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ II (1956) nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian góp ý với các đồng chí lãnh đạo Hội về mục tiêu phấn đấu của cán bộ Trung ương Hội: "… Hội phụ nữ là tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Hội phải đi vào quần chúng để thấy họ đang gặp khó khăn gì, được cái gì và chưa được cái gì để nghĩ cách giúp chị em giải quyết…".
Để thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Người nhấn mạnh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải tổ chức tốt các phong trào, trên cơ sở đó để tập hợp, đoàn kết quần chúng phụ nữ, giúp đỡ họ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, đồng thời biết quyền lợi chính đáng của mình.
Dù bận trăm công, ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm nhất mực tới phong trào thi đua của phụ nữ Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó là phong trào phụ nữ "Ba đảm đang"4 - phong trào do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, trở thành một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, có tác dụng to lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với phong trào thi đua "Năm tốt" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động (tháng 3/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, với ba cuộc vận động lớn là "Ba xây, ba chống", "Cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp", "Đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và văn hoá miền núi". Phong trào thi đua "Năm tốt" là cơ sở quan trọng để phụ nữ phấn đấu trở thành những người có khả năng toàn diện, có thể gánh vác những nhiệm vụ mới nặng nề trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt; xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt.
Đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (19/10/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Phong trào "Năm tốt" của phụ nữ miền Nam, phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân"5.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa. Đáp lại niềm tin tưởng và tình cảm trân quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nối truyền thống của phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động và triển khai rộng rãi hàng loạt các cuộc vận động, phong trào thi đua mới, nhất là trong 35 năm Đổi mới. Tiêu biểu là các phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam, nữ bình đẳng", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đã có hàng ngàn cá nhân phụ nữ tiêu biểu, nhiều tập thể phụ nữ xuất sắc từ các phong trào này được Đảng, Nhà nước tôn vinh, ghi nhận.
Lịch sử hình thành và phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong hơn 90 năm qua không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Đến nay, đã có 12 kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc diễn ra. Mỗi kỳ Đại hội là một cột mốc đánh dấu sự phát triển và vai trò cực kỳ quan trọng của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Các phong trào do Hội phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn Cách mạng mới được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, xứng đáng với sự ghi nhận, quan tâm, dìu dắt sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra đời.
1 Từ năm năm 1946 - 1969, Hội Liên phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 3 kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc vào các năm 1950, 1956 và 1961.
2 Hồ Chí Minh:Toàn tập, NXB. CTQG, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.340
3 Hồ Chí Minh:Toàn tập, NXB. CTQG, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.179
4 Lúc đầu, phong trào có tên "Ba đảm nhiệm" do Trung ương Hội phát động.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập. 15, tr. 173
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn