Sáng 8/6, tại phiên thảo luận ở tổ, góp ý về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, cơ quan tổ chức, trong đó có Hội LHPN Việt Nam.
Cụ thể, đại biểu Hà Thị Nga cho biết, đến nay, đã có 10 nội dung góp ý của Hội LHPN Việt Nam được tiếp thu đưa vào dự thảo luật. Về nội dung liên quan đến bình đẳng giới, đại biểu Hà Thị Nga nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng. "Chúng tôi đồng tình với việc Chính phủ lựa chọn nguyên tắc trung tính giới để đưa vào dự án luật sửa đổi lần này, trong đó lựa chọn 2 nhóm vấn đề chính để lồng ghép giới vào các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người và các chế độ cho nạn nhân", bà Hà Thị Nga nêu quan điểm.
Góp ý cụ thể, về nguyên tắc phòng, chống mua bán người (Khoản 3 Điều 4), đại biểu Hà Thị Nga đề nghị bổ sung nguyên tắc "ưu tiên đối với trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong công tác giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân mua bán người".
Về trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 15), đại biểu Hà Thị Nga góp ý, tại Khoản 1, đề nghị bổ sung thêm từ "hành vi" và sửa lại như sau: "…cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn, hành vi mua bán người…".
"Thực tiễn, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tiếp nhận đơn của công dân, trong đó có những vụ việc liên quan đến hành vi, như cha mẹ nhận một khoản tiền và đồng ý cho con đi lấy chồng nước ngoài, vô tình vi phạm quy định mua bán người" - bà Hà Thị Nga chia sẻ.
Tiếp đó, trong dự án sửa đổi có nêu "gia đình có trách nhiệm động viên thành viên gia đình là nạn nhân hợp tác với chính quyền, cơ quan thẩm quyền…", đại biểu Hà Thị Nga đề nghị bổ sung thêm cụ từ "hỗ trợ, tạo điều kiện". Thực tế nhiều nạn nhân rất mặc cảm sau những sang chấn tâm lý nặng nề, đặc biệt với phụ nữ bị mua bán sang quốc gia khác, trở thành nô lệ tình dục. Vì vậy, gia đình không chỉ động viên mà cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho những nạn nhân này vượt qua rào cản tâm lý, sớm quay trở lại cuộc sống.
Về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, tại Khoản 1 Điều 27 quy định: "Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, y tế, hỗ trợ chi phí phiên dịch cho họ trong trường hợp cần thiết và chuyển ngay người đó đến Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện gần nơi họ được giải cứu".
Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị, bổ sung chuyển tuyến người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân đến Cơ sở hỗ trợ nạn nhân/Trung tâm trợ giúp xã hội để được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kịp thời, chuyên biệt, đảm bảo theo các nguyên tắc hỗ trợ nạn nhân thay vì chỉ chuyển đến Phòng Lao động Thương binh & Xã hội.
Bà Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp được cơ quan chức năng giải cứu hoặc chuyển tuyến đến Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam). Trong đó, nhiều người tự trở về, tự tìm đến sự hỗ trợ của Ngôi nhà Bình yên nhưng không có giấy xác minh, xác định là nạn nhân, chiếm khoảng 75% số lượng các ca đến tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên. Như vậy, rõ ràng, trong thực tiễn triển khai đã thực hiện việc chuyển tuyến đến cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trung tâm trợ giúp xã hội khác ngoài ngành lao động, thương binh và xã hội. Việc này giúp họ được hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý và là quyền lợi của các nạn nhân.
Về trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, dự thảo đã quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đó có Hội LHPN Việt Nam, song theo đại biểu Hà Thị Nga, cần phải làm rõ để tăng thêm tính pháp lý, để Hội LHPN Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Cụ thể, mở rộng phạm vi tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ đến cộng đồng, bổ sung thêm cụm từ "cộng đồng" như sau: "Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, trẻ em và cộng đồng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người".
Tiếp đó, tại Điều 20 về trách nhiệm của Hội cần bổ sung như sau: "Vận hành Trung tâm trợ giúp xã hội hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân".
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, hiện Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam đã có thêm các cơ sở ở Cần Thơ, Quảng Bình và tới đây là ở Hải Phòng. Đây là những cơ sở tiếp nhận nạn nhân hết sức hiệu quả, tranh thủ được nguồn lực của các tổ chức quốc tế hỗ trợ nạn nhân, tổ chức dạy nghề cho các nạn nhân hoà nhập cuộc sống.
Việc này phù hợp với Điều 53 Luật phòng chống bạo lực gia đình, Hội LHPN Việt Nam được giao "Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình" thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình" (Khoản 4).
Ngoài ra, đồng tình với ý kiến đại biểu Phạm Văn Hoà, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, Điều 21 cần bổ sung thêm cảnh sát biển, kiểm ngư trong các lực lượng tiếp nhận tin báo cung cấp thông tin về mua bán người một cách kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn