Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà: 'Mong sớm chính sách hóa mô hình tham vấn tâm lý học đường'

20:28 | 15/03/2019;
Chiều 15/3, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã có buổi thăm và làm việc tại trường liên cấp Marie Curie (Hà Nội). Bà trực tiếp thăm và tư vấn tâm lý cho học sinh tại Phòng tham vấn học đường – mô hình thí điểm do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với trường, vừa đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2018.

Cuộc viếng thăm của bà Nguyễn Thị Thu Hà tại trường được bắt đầu ngay ở phòng Tham vấn tâm lý học đường, khi bà trực tiếp tham dự và cùng chuyên gia tâm lý tư vấn cho học sinh của trường. Đó là câu chuyện về một nam sinh đang có dấu hiệu trầm cảm.

Trong vai trò là chuyên gia tâm lý, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã hỗ trợ “giải mã” các nguyên nhân khiến nam sinh mất cân bằng và đưa ra một số lời khuyên dành cho em. Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí cởi mở, nhẹ nhàng, có sự dẫn dắt khéo léo từ chuyên gia tâm lý nên nam sinh đã không ngần ngại nói ra tất cả những vấn đề của chính bản thân mình, từ đó cùng tìm giải pháp khắc phục.

img_00681.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hà trực tiếp tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: D.H 

Mô hình Phòng Tham vấn học đường của trường liên cấp Marie Curie được thí điểm triển khai từ tháng 12/2018 (ba cấp học với hơn 4000 học sinh). Mục tiêu của mô hình là giúp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ về các rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, đồng thời hỗ trợ tăng cường liên kết giữa trẻ, nhà trường và gia đình nhằm nâng cao chất lượng học tập.

Tại cuộc gặp ngay sau buổi tư vấn của bà Nguyễn Thị Thu Hà, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường liên cấp Marie Curie bày tỏ sự vui mừng sau nhiều năm ấp ủ, mô hình này đã thành hiện thực.

“Học sinh luôn có các vấn đề về tâm lý. Các nước văn minh coi vấn đề tâm lý con người bị sang chấn không khác gì nỗi đau thể xác. Nếu chữa được gốc thì không có hành vi vi phạm pháp luật, nội quy... Tôi nghĩ đến chuyện này và sau nhiều năm, đến năm học vừa rồi, tôi bàn với các thầy cô về quyết tâm mở phòng tâm lý. Đừng nhìn học sinh ở góc độ phạm lỗi mà đó là sang chấn tâm lý dẫn đến hành vi chúng ta không mong muốn, từ đó phải chữa lành cho các em” – thầy Khang chia sẻ.

img_0084.jpg
Buổi làm việc của bà Thu Hà tại trường liên cấp Marie Curie. Ảnh: D.H 

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, sự hỗ trợ của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển về nguồn chuyên gia tâm lý tâm huyết, giàu kinh nghiệm trong thời điểm ý tưởng của thầy đang “thai nghén”, đã thúc đẩy mô hình ra đời và đi vào hoạt động khá nhanh.

“Trước đó, chúng tôi đã mời một số giáo viên tâm lý về làm việc, tuyển lựa nhiều vòng nhưng vẫn chưa yên tâm. Tinh cờ biết Trung tâm  có làm việc này, tôi liên lạc với các chị và nhanh chóng tìm được điều chúng tôi muốn làm. Vê phía trường thì đây là nhu cầu, còn về phía Trung tâm thì đây cũng là nhu cầu triển khai việc mình muốn làm cho xã hội, như là bổn phận trách nhiệm. Hai bên nhanh chóng thống nhất cách làm việc. Chúng tôi rất mừng” – thầy Khang cho biết.

img_0094.jpg
Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang đã ấp ủ mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường từ lâu. Ảnh: D.H 

Ra đời từ tháng 12/2018, sau hơn 3 tháng, mô hình được sự hưởng ứng đông đảo của phụ huynh, học sinh. Do số lượng học sinh cần tư vấn ngày càng đông, từ 2 chuyên gia đến nay con số lên đến 5 – 6 người, làm việc không kể thời gian. “Dấu hiệu tích cực của mô hình theo tôi thể hiện rõ nhất ở chỗ đã dần tạo niềm tin từ phía học sinh, cha mẹ. Phải có niềm tin thì mới thành công. Chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả thực tế của mô hình vào cuối năm học” – ông Khang nói.

Về điều này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết mong muốn của bà là sớm đẩy mô hình này lên thành chính sách. Bà Thu Hà đã hai lần phát biểu về vấn đề này trước diễn đại Quốc hội, theo đó đề xuất hoạt động của mô hình tham vấn học đường. Vì vậy, khi có sự hợp tác giữa trường và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển để đưa mô hình này vào hoạt động, bà rất ủng hộ.

“Hội LHPN Việt Nam là tổ chức đại diện bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, mô hình này vì thế rất cần thiết. Sang chấn tâm lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn, phát triển không đúng. Đây là hướng đi vô cùng tốt trong nhà trường. Thay mặt Hội, chúng tôi cảm ơn trường đã có hướng đi mới này, tôi tin là mô hình sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội” – bà Thu Hà nhấn mạnh.

img_0104.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: D.H 

Cũng theo bà Thu Hà, tới đây Hội LHPN sẽ nỗ lực đẩy mô hình này thành chính sách, trên cơ sở đã nhiều lần trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Bên cạnh vấn đề này, Hội LHPN Việt Nam với vai trò phản biện chính sách pháp luật, đã nhiều lần đóng góp chương trình giáo dục phổ thông mới, mời chuyên gia đề xuất các vấn đề liên quan đến lồng ghép giới, làm sao để giảm bớt tình trạng định kiến giới, hoặc giáo dục các kỹ năng trong trường học…

“Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và các chuyên gia sẽ đầu tư thêm để huy động đội ngũ chuyên gia làm mô hình này, vì mục tiêu chung. Tôi tin chắc phòng tham vấn sẽ là giải pháp tốt góp phần giảm bớt khó khăn tâm lý của học sinh” – bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc chiều nay: 

img_0126.jpg
img_0130.jpg
img_0137.jpg

Ngày 26/11/2018, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Trường liên cấp Marie Curie đã ra mắt Phòng Tham vấn học đường tại trường với mục tiêu đồng hành cùng trẻ bằng trái tim yêu thương để giúp trẻ trở thành người công dân tốt. Phương pháp thực hiện là đánh giá tâm lý, sau đó tham vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh, diễn ra hàng ngày. Theo thống kê, từ tháng 12/2018 đến tháng 02/2019, đã có hơn 90 lượt học sinh tới phòng Tham vấn. Đặc biệt, số lượng học sinh cấp THCS và THPT chủ động tìm đến phòng tham vấn để các chuyên gia hỗ trợ ngày càng cao do các em đã nhận thức được những khó khăn, vướng mắc của bản thân.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn