Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Du nhập lễ hội là cần thiết nhưng cần chọn lọc

08:00 | 10/03/2021;
Nhiều lễ hội của nước ngoài được du nhập vào Việt Nam những năm gần đây và được nhiều người trẻ hào hứng đón nhận, phổ biến là lễ Giáng sinh, Lễ tình nhân, Lễ hội hóa trang, Ngày của mẹ, Ngày của cha… Trước quan điểm cho rằng, sự phát triển của lễ hội “ngoại lai” đang “làm loãng” lễ hội truyền thống, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã trao đổi với PNVN.

PV: Là người nghiên cứu văn hóa truyền thống lâu năm, ông có đồng tình với quan điểm đó không?

GS.TS Lê Hồng Lý: Chúng ta nên gọi đây là những lễ hội du nhập từ nước ngoài. Đúng nó là xu thế tất yếu, khi hội nhập thì chúng ta tìm hiểu và hòa nhập.

Với công chúng Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ thích những lễ hội như Giáng sinh, Ngày của mẹ, Ngày của Cha... vì yếu tố lạ và mới mẻ. Chúng ta có những lễ hội truyền thống với những nghi lễ quen thuộc, còn những lễ hội này giống như hoạt động kỷ niệm, thậm chí là phù hợp với tâm lý người Việt trọng chữ hiếu. Có sự xuất hiện của các lễ hội "ngoại nhập" một phần là do sự cởi mở, hòa nhập của người trẻ, một phần do sự cởi mở về chính sách của Nhà nước.

Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Du nhập lễ hội là cần thiết nhưng cần chọn lọc - Ảnh 1.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

PV: Giả sử nếu không có lễ hội "ngoại nhập" thì liệu các lễ hội truyền thống đã hội đủ giá trị văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ chưa, thưa giáo sư?

GS.TS Lê Hồng Lý: Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống với đầy đủ các giá trị văn hóa tinh thần đáp ứng nhu cầu của giới trẻ. Nếu quan sát, chúng ta dễ nhận thấy các bạn trẻ đi lễ hội nhiều chứ.

Chúng ta đừng tưởng rằng cuộc sống phát triển hơn, hội nhập hơn thì lễ hội ít được quan tâm hơn. Ngược lại, những bất ổn trong đời sống xã hội, những rủi ro bệnh tật, tai nạn, những áp lực cuộc sống... lại khiến người ta tìm về những giá trị tâm linh nhiều hơn.

Ngoài những lễ hội truyền thống với những nghi thức cầu may, cầu bình an thường được tổ chức vào đầu năm, chúng ta còn có những lễ hội mới theo đặc thù địa phương. Chẳng hạn, Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang, Lễ hội hoa ban Điện Biên, Lễ hội hoa dã quỳ Gia Lai, Lễ hội Carnaval Hạ Long (Quảng Ninh), Lễ hội Carnival đường phố Sầm Sơn (Thanh Hóa)... Những lễ hội mới này là yếu tố đặc trưng của vùng miền, địa phương để thu hút khách du lịch và các bạn trẻ.

PV: Có ý kiến cho rằng hiện nay, lễ hội truyền thống được tổ chức phần lễ lấn át phần hội và người dân, chủ thể của lễ hội, không được đóng vai trò đúng nghĩa, khiến lễ hội truyền thống bị mai một là điều khó tránh khỏi. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

GS.TS Lê Hồng Lý: Đúng là với các lễ hội truyền thống hiện nay, phần nghi lễ là chủ yếu nhưng có một bộ phận giới trẻ đôi khi lấy việc đi lễ là cái cớ để dự hội, vui chơi, gặp gỡ nhau. Nhưng nhìn chung, tôi vẫn thấy, giới trẻ cũng đi lễ nhiều, họ mong muốn sự bình an trong tâm hồn. Bạn thấy đấy, lễ hội ở đâu, lúc nào cũng rất đông và phần lớn là các bạn trẻ. Vì thế, có thể nói lễ hội truyền thống Việt Nam vẫn đầy sức hút.

PV: Theo ông, để lễ hội truyền thống được trở về với vị trí vốn có của nó và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, thì các cấp, các ngành cần làm gì?

GS.TS Lê Hồng Lý: Vai trò của những nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và cả báo chí đều rất quan trọng. Nhà quản lý phải biết cân bằng giữa việc gìn giữ những nghi lễ truyền thống và tổ chức phần hội với những hoạt động vui chơi hấp dẫn người tham gia.

Tôi vẫn thường nói trong một số diễn đàn, truyền thông báo chí đưa tin cũng cần có sự chọn lọc, cân nhắc về cách truyền đạt thông tin và hình ảnh sao cho đúng tinh thần của lễ hội, tránh bị hiểu lầm. Chẳng hạn, nghi lễ chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ ăn trâu (đâm trâu) của đồng bào Tây Nguyên... chúng ta cần hiểu đúng nguồn gốc và ý nghĩa tâm linh. Không chém lợn giữa sân đình mà thực hiện ở khu vực riêng với ít người tham dự là sự điều chỉnh hợp lý, để giữ gìn phong tục truyền thống, tránh bị mai một.

Nếu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng có những lễ hội tương tự, có thể kể tới Lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha. Trong đó, đấu sĩ dùng thanh gươm của mình đâm vào tim và giết chết con bò. Nhiều người cho rằng đây là hành vi man rợ, nguy hiểm nhưng với Tây Ban Nha thì đấu bò tót chính là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn, lưu giữ và phát triển.

PV: Với các lễ hội được du nhập vào Việt Nam, chúng ta cần lưu ý điều gì, thưa giáo sư?

GS.TS Lê Hồng Lý: Hội nhập, cởi mở là cần thiết, những lễ hội này đáp ứng nhu cầu của công chúng là thể hiện tình cảm với người thương yêu, với mẹ, cha... Điều quan trọng hơn cả là chúng ta ứng xử với lễ hội đó như thế nào.

Chẳng hạn, Lễ hội hóa trang - Halloween, các bạn trẻ có cần hóa trang kinh dị, máu me quá để gây sự chú ý, hù dọa, khiến trẻ em sợ hãi. Đôi khi, các bạn mặc trang phục hay hóa trang quá lố, kệch cỡm...

Hay, tôi có cảm giác dịp Lễ tình nhân - Valentine, các bạn trẻ hiện nay quá nặng nề về vật chất, phải lo nghĩ chuyện tặng quà giá trị lớn. Bạn bè tôi ở nước ngoài không cầu kỳ như vậy. Họ gửi cho nhau những lời chúc, đôi khi chỉ là những món quà handmade.

Ngày của mẹ, Ngày của cha... cũng vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hưởng ứng nhưng hãy làm những điều giản dị, chân thành hơn là việc quá chú trọng hình thức.

PV: Xin cảm ơn giáo sư đã chia sẻ!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn