Chưa đạt được tiêu chí số ca mắc
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chiều 13/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - cho biết, theo Nghị quyết 86 Chính phủ đề ra, đến ngày 15/9 thành phố phải kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, thành phố đã ghi nhận những tín liệu tích cực, thế nhưng so với tiêu chí của Bộ Y tế thì thành phố còn có một số nội dung, tiêu chí chưa đáp ứng được.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng - cho biết, theo tiêu chí của Bộ Y tế, hiện tại tiêu chí số ca mắc thành phố chưa đạt được và khó đạt được. Theo tiêu chí này, số ca mắc trong tuần phải giảm liên tục so với hai tuần trước đó và thấp hơn 50% so với tuần lễ có số F0 cao nhất.
Qua theo dõi tình hình hiện nay, ông Thượng cho hay, số ca mắc tại thành phố đang đi theo đường ngang, dao động từ 5.000-6.000 ca mỗi ngày. Tại thời điểm hiện tại, thành phố chưa đạt được tiêu chí để kiểm soát dịch so với tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra.
Ông Thượng cho biết thêm, nếu căn cứ vào các tiêu chí khác của thế giới thì thành phố cũng chưa đạt. Tuy nhiên, căn cứ vào dữ liệu đang có thì tình hình dịch diễn tiễn theo chiều hướng khả quan. Đồng thời cho biết, với biến thể Delta thì rất khó làm sạch F0 trong cộng đồng.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, thẻ xanh sẽ được ứng dụng tự động dựa trên các thông số trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Tiêu chí để nhận được thẻ xanh sẽ được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế quy định. Trong đó sẽ có các tiêu chí như số mũi tiêm vaccine, xét nghiệm kháng thể… Hiện Sở đang cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu để tham mưu cho Ban chỉ đạo để triển khai thẻ xanh Covid.
Việc mở cửa phải đảm bảo an toàn
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, với tình hình dịch trên thế giới cũng như ý kiến của các chuyên gia cho thấy, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài nên phải xác định tư thế sống trong điều kiện có dịch. Các sinh hoạt, hoạt động kinh tế - xã hội phải được thực hiện trong bối cảnh có dịch, dựa trên nguyên tắc an toàn.
Do vậy, việc hài hòa giữa việc giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh là không thể tách rời. Thành phố sẽ tiếp cận trên cơ sở dịch sẽ còn tiếp tục diễn biến, phải chuẩn bị các điều kiện an toàn như tỉ lệ mắc, độ bao phủ vaccine…
Để thực hiện việc này, ngành y tế sẽ có hệ thống theo dõi, đo lường thường xuyên, định kỳ. Việc nới lỏng hay tăng cường giãn cách sẽ phụ thuộc vào kết quả theo dõi, đánh giá này.
Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố sẽ có bộ tiêu chí an toàn dành cho các lĩnh vực, hoạt động như người an toàn, hành trình an toàn, điểm đến, điểm hoạt động an toàn. Do vậy, người tham gia vào các hoạt động, sản xuất kinh doanh cũng phải đảm bảo các tiêu chí an toàn. Trong đó, thành phố đang nghiên cứu triển khai thẻ xanh Covid dựa trên các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm và kết hợp cùng các điều kiện an toàn khác như việc thực hiện quy định 5K, 5T…
Việc an toàn này được đánh giá dựa trên từng địa bàn, hoạt động, từng ngành và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi có những diễn biến tích cực từ phòng chống dịch sẽ mở rộng giãn cách. Và ngược lại, nếu như kết quả phòng chống dịch diễn biến xấu thì sẽ có sự điều chỉnh giãn cách, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, trong thời gian, nhiều quốc gia có trình độ phát triển, có tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cao, hệ thống y tế tốt… cũng đã có kế hoạch mở cửa khoa học. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của biến chủng Delta, khi mở ra thì khả năng bùng phát là có thật và đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Cho nên ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói cũng không loại trừ điều tương tự.
"Đây chính là một lý do mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố rất cân nhắc. Chúng tôi biết sức ép đến 15/9 là rất lớn, người dân, doanh nghiệp và cả chúng tôi cũng mong muốn phục hồi các sinh hoạt bình thường, những hoạt động kinh tế -xã hội ít nhất có thể. Những kết quả phòng chống dịch đạt được có chuyển biến tích cực hơn, nhưng chưa đạt được như tiêu chí đặt ra; cho nên để thận trọng, bảo vệ kết quả này thì chúng ta phải chịu khó một thời gian để kết quả này bền vững hơn. Khi chúng ta mở ra thì chúng ta yên tâm", ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố thấu hiểu mong muốn sớm mở lại các hoạt động bình thường, kinh tế - xã hội của bà con, doanh nghiệp nhưng vì cân nhắc, thận trọng cho sự an toàn cho nên thành phố quyết định kéo dài giãn cách thêm một thời gian. Mong bà con, doanh nghiệp cùng chia sẻ sự lo lắng này, đồng cam cộng khổ thêm một thời gian nữa để tự tin nới lỏng, mở cửa trở lại ở một mức độ phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Mở cửa phải có kiểm soát, từng bước đánh giá
Ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -cho biết, sự xuất hiện của biến chủng Detla đã khiến cho mọi kế hoạch của các quốc gia đều đảo lộn, đặc biệt là kế hoạch phục hồi kinh tế.
Theo ông Bình, việc mở cửa các hoạt động, sản xuất kinh tế phải có lộ trình, có kiểm soát và từng bước đánh giá, kịp thời điều chỉnh phù hợp, tránh lơ là, mất cảnh giác.
Khi nhận thức đầy đủ về tình hình trên thế giới, trong nước và thành phố cho thấy nếu như tình hình dịch tốt hơn thì sẽ nới lỏng giãn cách, nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần nếu xảy ra điều bất thường thì phải ngăn chặn kịp thời. "An toàn là cho chính mình, cho gia đình và cho cộng đồng. Từ đó sẽ đảm bảo được sinh kế cho mình, cho gia đình và phát triển cho thành phố", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn