Chủ tịch Quốc hội 'chấm điểm' phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải

16:19 | 04/06/2018;
Kết luận phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu với 21 lượt tranh luận và còn lại 17 đại biểu chưa đặt câu hỏi xin gửi chất vấn đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn có thêm phần tham gia giải trình của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân. Tuy là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng GTVT chưa được 8 tháng, với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc tình hình, thực trạng, đã trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại hạn chế của ngành GTVT nói chung. Tuy nhiên, trong phần trả lời của Bộ trưởng còn một số đại biểu thấy chưa thỏa đáng nên đã tranh luận lại để tiếp tục làm rõ.

ba_ngan_jpeg_vov_jiag.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng 4/6. Ảnh: VOV

 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lĩnh vực GTVT tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân nên được các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm. Thời gian qua ngành GTVT đã đạt một số thành quả rất đáng ghi nhận, huy động được nguồn lực rất lớn trong xã hội để tham gia phát triển hạ tầng giao thông theo các hình thức BOT, PPP góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, so yêu cầu thực tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa mới có thể chuyển biến một cách tích cực.

Qua chất vấn và ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho thấy, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng công trình giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, mất cân đối trong đầu tư phát triển các loại hình giao thông, hiện nay đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển, nhiều công trình chậm tiến độ; ùn, tổng mức đầu tư tăng; chất lượng đào tạo lái xe, ý thức của người tham gia giao thông còn kém nên tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn ngày càng bức xúc; việc đầu tư các dự án BOT đường bộ thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận và xã hội. Hạn chế yếu kém trên có nguyên nhân khách quan, chủ quan, có nội dung nguyên nhân từ hệ thống chính sách pháp luật chưa đồng bộ nhưng cũng có điểm xuất phát từ khâu điều hành, quản lý.

ong_the_2_woyw.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn
 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng GTVT và các bộ ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung một số vấn đề sau: Rà soát đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống kết cấu giao thông, quy hoạch giao thông trong đó chú trọng hệ thống đường sắt quốc gia, khẩn trương nghiên cứu phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019;

Triển khai đồng bộ, đầu tư đáp ứng phát triển đất nước, trong đó có công trình lớn quan trọng, thiết yếu, nhất là khu vực có tiềm năng phát triển, giải quyết ách tắc, quá tải giao thông, đảm bảo thông suốt ở các trung tâm kinh tế lớn, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn và tại vùng khó khăn. Thu hút các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo lợi ích thoả đáng của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là của người dân.

Cùng với đó là đẩy mạnh, nhanh các công trình trọng điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn thành dự án lớn, dự án chậm tiến độ, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc kéo dài tiến độ dự án, tăng vốn đầu tư. 

Sử dụng hiệu quả vốn từ ngân sách, trái phiếu CP trung hạn đã bố trí, quan tâm ngành đường sắt một cách cân đối để giảm tải đường bộ, ưu tiên kết nối các vùng phục vụ vận chuyển hàng hoá và hành khách.

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm hơn nữa tai nạn giao thông, xử lý “điểm đen” an toàn giao thông, lập lại trật tự giao thông đô thị, giảm ùn ắc ở thành phố lớn, tuyến đường trọng điểm để đảm bảo giao thông thông suốt...Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm; Làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm xe, đào tạo lái xe; tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành giao thông, xây dựng văn hoá giao thông của người dân; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông...

Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức BOT, trong tổng thể đầu tư theo hình thức đối tác công tư để kêu gọi các nhà đầu tư; rà soát hệ thống thu phí đường bộ để xử lý vướng mắc, đảm bảo công khai, minh bạch, đến hết 2019 toàn bộ trạm cả nước tự động thu phí không dừng; kiểm toán, quyết toán toàn bộ dự án BOT theo quy định. Với những trạm có vị trí không đúng thì có phương án xử lý dứt điểm, tăng cường thanh kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn