Chủ tịch Quốc hội đặt 3 câu hỏi lớn cho nền kinh tế Việt Nam

09:50 | 19/09/2023;
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tăng cường, phát huy "nội lực", vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực" để thích ứng và phát triển.

Điểm sáng "trong bức tranh xám màu"

Sáng 19/9, phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ qua hai lần tổ chức, diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế.

Nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, chưa từng có tiền lệ, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược" và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn được bảo đảm, tỉ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát...

Chủ tịch Quốc hội đặt 3 câu hỏi lớn cho nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế

Những khó khăn cần vượt qua

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 hết sức khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo.

Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội đặt 3 câu hỏi lớn cho nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 sáng 19/9

Nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng...

Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết. Việc này nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững".

Với tinh thần "đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó", để đạt được các mục tiêu diễn đàn, ông mong lắng nghe các ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn.

Thứ nhất, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?

Thứ hai, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?

Thứ ba, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn