Chú trọng bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho học sinh trong mùa Covid-19

19:00 | 14/09/2020;
Trong các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19, có lời khuyên tăng cường vận động thể lực, dinh dưỡng hợp lý… Do đó, dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là với trẻ em trong phòng chống đại dịch này.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mạnh mẽ rằng trong thời gian có đại dịch, cần quan tâm tối đa đến chế độ dinh dưỡng của trẻ để hỗ trợ hệ miễn dịch.

Từ 6 tuổi trẻ em bắt đầu đi học tiểu học, các chất dinh dưỡng cung cấp hằng ngày cho trẻ qua thức ăn không chỉ giúp trẻ phát triển về thể chất, mà còn cung cấp năng lượng cho trẻ học tập. Vì vậy ăn uống hợp lý ở lứa tuổi này giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh và phòng chống được bệnh tật.

Tuy nhiên trong thực tế, dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi học đường ở một số địa phương và không ít gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do đời sống, thu nhập của người dân chưa được nâng cao; cha mẹ bận bịu với công việc, mưu sinh nên chưa quan tâm đúng mức trong vấn đề con ăn gì, uống gì để đủ dưỡng chất, tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng ngừa dịch bệnh.

Tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình, Hà Nội), học sinh toàn trường được tham dự khai giảng tại sân trường do không gian sân khá rộng rãi và thoáng đãng

Tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình, Hà Nội), học sinh toàn trường được tham dự khai giảng tại sân trường do không gian sân khá rộng rãi và thoáng đãng

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực: Trên 23% trẻ em Việt Nam bị thấp còi do suy dinh dưỡng, thậm chí con số này ở nhiều tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên lên tới 30%.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, để trẻ được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cần cho trẻ ăn no và nhiều vào bữa sáng; nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tránh ăn một vài loại nhất định. Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, để tránh táo bón, đồng thời cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ăn đúng bữa, không ăn vặt, không ăn bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn. Không nên nấu thức ăn quá mặn, tập thói quen ăn nhạt.

Bữa ăn hợp lý là bữa ăn cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể, ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm: Gulucid, protein, lipid, vitamin và khoáng chất.

Nụ cười trên môi cô trò, với mong muốn một năm học mới thật vui và an toàn trong mùa dịch Covid-19

Nụ cười trên môi cô trò, với mong muốn một năm học mới thật vui và an toàn trong mùa dịch Covid-19

Nhóm thực phẩm giàu đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống và tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ... và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Các loại cá, tôm, tép và cua là nguồn cung cấp canxi tốt cho cơ thể. Các loại hạt đậu, đỗ cũng là nguồn đạm thực vật tốt, cung cấp một số acid amin thiết yếu mà đạm động vật thường có ít. Đồng thời nên ăn đa dạng các loại rau xanh và hoa quả.

Trong các loại vitamin cần thiết cho cơ thể, vitamin D cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể nâng cao sức đề kháng, điều hòa miễn dịch, được khuyên dùng để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới tin rằng mức độ lành mạnh của loại vitamin này trong máu của những người có Covid-19 giúp tránh cơn bão cytokine, khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức và tấn công các tế bào và mô của chính nó. 

Theo khuyến nghị, lượng vitamin D hàng ngày cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi là 600 IU (15 mcg). Để cơ thể trẻ không bị thiếu loại vitamin quan trọng này, cần bổ sung trong khẩu phần ăn các thực phẩm giàu vitamin D như: Gan cá tuyết, nấm, sữa, trứng, gan bò, ức gà, bông cải xanh, chuối, táo, hạnh nhân, đậu lăng, bánh mì nguyên hạt…

Thực tế, phần lớn thời gian trẻ em trải qua ở trường học, vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho học sinh, nhất là cấp mầm non, tiểu học hiện được nhà trường rất quan tâm để giúp trẻ tăng cường đề kháng trong mùa dịch. Trong thời gian qua, tại nhiều trường mầm non, nhà trường đã chủ động tăng cường thêm bữa phụ là nước ép trái cây như cam, chanh, sori… giúp bổ sung vitamin C.

Chú trọng bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho học sinh trong mùa Covid-19 - Ảnh 3.

Tại một số địa phương như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu… sau khi triển khai chương trình sữa học đường, tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng giảm đáng kể

Ghi nhận tại các địa phương đang triển khai chương trình sữa học đường, học sinh được uống sữa đều đặn khi đến lớp, các em thuộc diện khó khăn được hỗ trợ uống sữa miễn phí. Chương trình này được phụ huynh hưởng ứng, vì sữa là thực phẩm cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất, hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ, nhất là trong mùa dịch.

Thực tế tại một số địa phương như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu… sau khi triển khai chương trình sữa học đường, tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng giảm đáng kể. Có được kết quả này bởi sữa là thực phẩm cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất. Điều này không chỉ giúp trẻ uống sữa cải thiện dinh dưỡng mà còn hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ, nhất là trong mùa dịch Covid. Do đó, bên cạnh bổ sung dinh dưỡng và thực hiện các biện pháp phòng dịch cho con, cha mẹ nên động viên trẻ tích cực uống sữa, trong đó có sữa học đường. 

 Ngoài ra, để cơ thể trẻ khỏe mạnh và chuyển hóa tốt cần cho trẻ uống đủ nước. Nhu cầu nước của trẻ hàng ngày là 2.500ml nước, trong đó lượng nước được cung cấp trong quá trình chuyển hóa của cơ thể 350-400ml, cung cấp từ thức ăn chiếm khoảng 30%, phần còn lại là lượng nước uống khoảng 1.300 - 1.500ml (khoảng 6-8 ly nước).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn