Chú trọng giám sát quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em

09:31 | 12/09/2020;
Đó là đề nghị của ông Hầu A Lềnh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị Kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Chiều 11/9, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo các Ban, đơn vị của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam và đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam…

Chú trọng giám sát quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em - Ảnh 1.

Ảnh: H.K

Ông Hầu A Lềnh đánh giá, 5 năm qua, việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam đã có những tác động to lớn, mang lại những kết quả quan trọng, góp phần làm hội viên phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam cũng như hội viên của các đoàn thể chính trị xã hội thành viên nắm vững, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Việc tổ chức hội nghị kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam tại Hội LHPN Việt Nam nhằm sơ kết, đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm qua, qua đó làm rõ việc triển khai Luật có tác động gì đến tổ chức Hội, từ cơ chế, hoạch định kế hoạch, triển khai công tác, hoạt động của Hội, phong trào phụ nữ; Những bất cập, khó khăn còn tồn tại trong quá trình thi hành Luật để từ đó đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật phù hợp với thực tiễn.

Báo cáo kết quả thi hành Luật MTTQ Việt Nam của Hội LHPN Việt Nam nêu rõ: Ngay sau khi Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 được ban hành, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động hướng dẫn, triển khai các nội dung của Luật gắn với việc thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam hàng năm. Các cấp Hội LHPN đã tích cực phối hợp với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp triển khai thực hiện các quy định của Luật, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội…

Chú trọng giám sát quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em - Ảnh 2.

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Hội LHPN Việt Nam phát động đã huy động được hơn 110 tỷ đồng, hỗ trợ 110 xã biên cương. Ảnh: Lễ bàn giao Mái ấm tình thương cho phụ nữ khó khăn

Một số kết quả cụ thể như: Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đạt kết quả tốt: 15.000 phần việc, hoạt động xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm đã có hơn 10,7 triệu gia đình hội viên đạt gia đình "5 không, 3 sạch".

Đợt thi đua đặc biệt "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tạo hiệu ứng và lan tỏa sâu rộng, với kính phí huy động được là gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ các mô hình sinh kế, mái ấm tình thương, học bổng cho học sinh nghèo ở 110 xã biên giới khó khăn.

Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Xác định nội dung tuyên truyền phù hợp theo nhóm đối tượng như: Phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo, phụ nữ nông thôn đi làm ăn xa, phụ nữ công nhân khu công nghiệp, phụ nữ khuyết tật.

Hội chủ động, kịp thời lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em thông qua xây dựng cơ chế giải quyết hiệu quả như thành lập các tổ tư vấn, tạo mạng lưới, tăng cường tham vấn chuyên gia.

Nhiều vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em nghiêm trọng do Hội kiến nghị đã được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết kịp thời. Điển hình như vụ bé gái bị xâm hại ở Vũng Tàu; vụ cháu bé bị cha dượng hiếp dâm ở Lào Cai…

Các phản hồi sau giám sát tạo ra hiệu ứng tích cực

Tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, đã đưa ra 6 kiến nghị, đề xuất như: Đề nghị MTTQ tăng cường các hoạt động hiệp thương, phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác vận động, tập hợp quần chúng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Phối hợp tổ chức các hoạt động dành riêng cho phụ nữ kiều bào; hợp tác chặt chẽ với Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài…

Chú trọng giám sát quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em - Ảnh 3.

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, việc thi hành Luật MTTQ đã thực sự có tác động rõ nét, góp phần thúc đẩy sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn giữa MTTQ và các tổ chức thành viên, thể hiện rõ ở các địa phương, khắc phục được sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức.

Công tác giám sát được triển khai một cách bài bản hơn, với sự tham gia đầy đủ của các thành phần, ở diện rộng hơn, nhiều lĩnh vực hơn, giám sát các vấn đề khó hơn, tác động trực tiếp tới đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân. Các phản hồi, kiến nghị sau giám sát đã được quan tâm, tiếp thu, tạo ra những kết quả và hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật MTTQ trên thực tế cũng đặt ra một số vấn đề khó khăn, thách thức, trong đó đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc theo dõi tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các ngành sau giám sát chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa có sự giám sát, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, để mang lại lợi ích thực sự cho hội viên, đoàn viên.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đề nghị, trong thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội LHPN và các tổ chức thành viên phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, đặc biệt chú trọng giám sát quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, đồng thời có sơ kết, rút kinh nghiệm, tổng hợp thành tích, động viên khen thưởng kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn