Chữa bỏng tại nhà, trẻ đi cấp cứu

18:25 | 23/11/2016;
Bé bị bỏng nước sôi, thay vì đưa con đi điều trị tại cơ sở y tế, cha mẹ lại tự đắp lá cho con tại nhà khiến vết bỏng viêm loét dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ: Sáng 23/11, BV tiếp nhận bé T.T.A, 4 tuổi, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, được người nhà đưa đến viện với vết bỏng ăn sâu gây viêm loét vùng mông, sườn bụng và đang có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.
bong-3.jpg
Vết bỏng của bé T.A ngày càng nặng do tự điều trị tại nhà bằng thuốc lá
Theo lời kể của gia đình, cách đây 9 ngày, trong lúc chơi, bé T.A đụng vào ấm đun nước vừa đun sôi khiến cả vùng bụng, sườn, đùi bỏng nặng. Sau khi sơ cứu, gia đình nghe hàng xóm mách có thầy lang ở gần nhà dùng lá đắp chữa bỏng hiệu quả. Gia đình đã dùng lá đắp vào vết bỏng cho T.A. Tuy nhiên, sau 9 ngày sử dụng biện pháp trên, vết bỏng không khô mà có dấu hiệu viêm loét, chảy nước, bé kêu đau, cơ thể hơi nóng, sốt.

Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị cho biết thêm, sau khi thăm khám cho bệnh nhi, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi đến BV Xanh Pôn (Hà Nội), bởi vết thương quá nặng, trong khi BV Đa khoa Hà Đông chưa có chuyên khoa về bỏng. Đây là 1 ca nặng cần được điều trị kịp thời, chuyên sâu.

BS Nguyễn Thống, khoa Bỏng, BV Xanh Pôn, bức xúc, những ca bỏng nặng do tự điều trị đã được cảnh báo nhưng người bệnh vẫn thực hiện theo cách này. Chưa kể, chỉ khoảng 20-30% số bệnh nhân được sơ cứu bỏng đúng cách trước khi đưa đến BV. Số còn lại thường làm sai hoặc không xử lý gì. Việc sơ cứu, điều trị bỏng bằng “mẹo” dân gian dễ gây hậu quả khôn lường.

Thực tế, bản thân nhiều chất được người nhà bệnh nhân bôi lên vết bỏng như nhựa chuối, nước mắm, thuốc tạo màng, dễ khiến vết thương nặng hơn, nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc về tính mạng, chức năng và thẩm mỹ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên đặc biệt cẩn thận với các tác nhân có thể gây bỏng cho trẻ, đồng thời nếu chẳng may trẻ bị bỏng thì cần phải sơ cứu đúng cách càng nhanh càng tốt, sau đó nên đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.

KHI TRẺ BỊ BỎNG, NGƯỜI LỚN CẦN THỰC HIỆN CÁC THAO TÁC SAU:

- Làm mát tổn thương bỏng để giúp làm dịu cảm giác đau, tưới nước mát (không phải nước lạnh) lên vết bỏng từ 10 đến 15 phút.

- Ngâm vết bỏng trong nước mát hay dùng gạc lạnh làm mát bết bỏng. Vết bỏng được làm mát sẽ đỡ phù nề do da được hạ nhiệt, giảm độ sâu của bỏng.

- Không chườm đá lạnh lên vết bỏng.

- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và điều trị kịp thời.

- Không nên tự ý dùng thuốc Nam để chữa bỏng. Bởi việc đắp lá rất dễ bị nhiễm trùng do vết bỏng cần phải được làm sạch và vô trùng tối đa chỗ tổn thương. Ngoài nhiễm trùng tại chỗ, còn có thể bị biến chứng sốc do đau, sốc do mất dịch, rối loạn nước điện giải, thậm chí nặng dễ dẫn đến tử vong.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn