Chưa cấp phép điều trị dị tật mắt bằng tập yoga, thiền

23:06 | 19/12/2017;
Sở Y tế chưa cấp phép cho đơn vị nào tổ chức tập yoga, thiền… để chữa dị tật mắt. Thời gian tới, Sở sẽ kiểm tra xử lý và đóng cửa nếu cơ sở vi phạm.
Đó là khẳng định của bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tại buổi gặp mặt báo chí chiều ngày 19/12.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một số cơ sở quảng cáo tập thiền, yoga… có thể hỗ trợ điều trị các dị tật của mắt khiến nhiều phụ huynh tin tưởng. Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc BV Mắt Hà Nội 2, cho rằng, tập thiền và yoga có một số tác dụng nhất định đối với cơ thể. Tuy nhiên, nếu tập thiền và yoga… để điều trị dị tật mắt là không có cơ sở.
14570371_952636014842049_316185718919131416_n.jpg
Trẻ luyện tập yoga tại Trung tâm Mắt sáng học đường

Theo bác sĩ Nguyên, bất kỳ phương pháp điều trị bệnh đều phải được Bộ Y tế xây dựng phác đồ điều trị trên cơ sở khoa học. Với mắt, có rất nhiều dị tật, trong đó có cận thị và loạn thị. Hiện điều trị dị tật này có nhiều phương pháp nhưng phổ biến nhất vẫn là đeo kính.

Với các trường hợp quảng cáo tập thiền, yoga… chữa dị tật mắt là không có cơ sở. Bởi để mắt phục hồi, phải dựa trên cơ sở khoa học và điều trị khác nhau theo từng trẻ. Có thể, ban đầu, các em được massage nên cảm thấy dễ chịu, dễ nhìn chịu hơn. Nhưng chỉ ít lâu, độ cận vẫn tăng. Hơn nữa, nếu massage mạnh, còn ảnh hưởng đến nhãn cầu. Vì vậy, việc quảng cáo như trên là dẫn dụ bệnh nhân đến đó để thu lợi, còn phụ huynh nếu đưa con đến các trung tâm đó thì đã tước đi cơ hội được khám và điều trị sớm của bé.

“Tại BV Mắt Hà Nội 2, các bác sĩ đã gặp và điều trị cho một số trẻ tập thiền và yoga. Tất cả các em đến BV điều trị đều được xác định độ cận, loạn vẫn tăng, thậm chí có trẻ bị biến chứng nặng hơn”, bác sĩ Nguyên nói.
25577365_1924193717642878_2105910907_o.jpg
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Cũng theo bác sĩ Nguyên, khi trẻ có các biểu hiện khó chịu ở mắt, nhìn mờ, nhức mỏi mắt, cần đến BV gặp chuyên gia để chẩn đoán. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ xác định trẻ bị dị tật gì và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Còn theo bà Trần Thị Nhị Hà, Sở đã nhận được nhiều đơn đề nghị cấp phép những bài thuốc dân gian để điều trị bệnh, trong đó có các bệnh về mắt. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá, Sở Y tế chưa cấp phép cho bất cứ bài thuốc dân gian nào vì không đủ cơ sở khoa học. Các cơ sở quảng cáo tập thiền, yoga… hỗ trợ điều trị dị tật về mắt cũng không được cấp phép.

“Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ thanh kiểm tra và xác định hành vi vi phạm của các trung tâm. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí đóng cửa các cơ sở đó”, bà Hà nói.
25579201_1924193794309537_372014274_o.jpg
Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên (bên phải) chia sẻ thông tin

Trước đó, PNVN đã thông tin, một số trung tâm của dự án Mắt sáng học đường (thuộc Công ty 3Training) tại Hà Nội quảng cáo có thể chữa khỏi dị tật mắt bằng phương pháp thiền, yoga... Nghe lời ngon ngọt, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia các khóa học với chi phí từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tham gia, mắt trẻ không cải thiện như mong đợi. 
Trả lời phóng viên Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc dự án Mắt sáng học đường (thuộc Công ty 3Training) cho biết, đây không phải là phương pháp điều trị dị tật của mắt. Chỉ số duy nhất có thể cải thiện là sức khỏe của đôi mắt. Do đó, sau khi tập luyện, nếu học viên bị cận thị thì họ vẫn bị cận mà không thể khỏi được.
“Sau khóa tập, ai bị cận thị vẫn cận, thậm chí độ cận cũng không giảm được. Trừ trường hợp cận thị giả thì sau khi tập xong là họ hết, còn lại nếu đã là cận thị, loạn thị thì không thể khỏi hay giảm độ”, bà Thủy khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn