Chưa có giải pháp triệt để khắc phục ô nhiễm ở làng nghề dệt chiếu Hới

15:49 | 08/06/2020;
Việc nấu lại các sợi moi (sợi nylon) thừa trong quá trình dệt chiếu công nghiệp ở làng nghề dệt chiếu Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, Thái Bình) để tái sử dụng đã gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường.

Theo UBND xã Tân Lễ, thực trạng trên diễn ra trên địa bàn từ năm 2010-2012. Thời điểm đó nhằm tận dụng những phế phẩm thừa là các sợi moi, nên khi dệt chiếu nylon, các chủ cơ sở sản xuất chiếu trên địa bàn đã gom và dùng để nấu lại, thành phẩm khi nấu xong sẽ quay vòng để tiếp tục trở thành nguyên liệu, tạo thành các hạt nhựa phục vụ cho quá trình sản xuất chiếu công nghiệp.

Quá trình nấu các sợi moi này sẽ thải ra môi trường loại khói màu đen, gây ra tác động không nhỏ tới sinh hoạt đời sống của người dân trên địa bàn, trong đó có triệu chứng khó thở. Thời gian này trên địa bàn có 2 cơ sở sản xuất chiếu nylon và đều ở thôn Quan Khê vẫn đang thường xuyên nấu sợi moi.

Chưa có giải pháp triệt để khắc phục ô nhiễm ở làng nghề dệt chiếu Hới - Ảnh 1.

Các sợi moi thừa bị loại ra trong quá trình sản xuất chiếu công nghiệp

Trước thực trạng này, một đoàn của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào khoảng năm 2012 đã về kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất dừng hoạt động tái chế này. "Khi các phế phẩm này không được sử dụng để tái chế lại, chủ cơ sở sản xuất đành phải chở ra bãi rác của xã tập kết của xã để đốt hoàn toàn thủ công, vì xã chưa có công nghệ hoặc phương tiện nào để xử lý cả", ông Trần Bá Hỏi, người phụ trách vấn đề này ở UBND xã Tân Lễ cho biết. Cùng với đó, các chủ cơ sở sản xuất được yêu cầu phải ký cam kết bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, họ chỉ thực hiện nghiêm trong khoảng một thời gian ngắn, vì theo một người dân (đề nghị giấu tên) cho biết, "Vào khoảng 22h-22h30, khi mọi người bắt đầu đi ngủ thì các cơ sở này mới thực hiện hoạt động đã nêu ở trên, khiến không khí trong khu vực thời điểm này có khói bụi, hơi nhựa theo gió bay vương vào nhà khiến mọi người đều có cảm giác khó chịu, nhất là đối với những người có đường hô hấp nhạy cảm (hen phế quản)".

Trong số các cơ sở diễn ra hiện tượng trên, có cơ sở sản xuất chiếu Thuận Hòa (thôn Quan Khê) của ông Vũ Văn Hòa. Theo ông Hòa, mỗi ngày trung bình dây chuyền của ông loại ra khoảng 20kg sợi moi thừa, bị hỏng, số này sau đó sẽ được các công nhân thu gom lại để chuyển vào kho và nấu lại – diễn ra khoảng 2-3 lần/tháng.

Chưa có giải pháp triệt để khắc phục ô nhiễm ở làng nghề dệt chiếu Hới - Ảnh 2.

Kho chứa các sợi moi đã thải loại để chờ tái chế của cơ sở sản xuất chiếu Thuận Hòa

"Tái chế nhựa này khác hoàn toàn với loại nhựa cứng, loại nhựa này là độc hại nhất. Còn nhựa mà tôi sử dụng để tái chế lại cũng là loại nhựa đã qua tái chế rồi, chỉ có cho vào nấu để thành nhựa viên rồi cho tiếp vào sản xuất. Thêm vào đó, cơ sở cũng không tái chế thường xuyên nên không ảnh hưởng mấy tới môi trường xung quanh. Nói chung, đây là sự tận dụng để phế phẩm trong quá trình sản xuất chiếu nhựa để không vất đi đâu cả – vì không ở dạng nọ mình chuyển sang ở dạng kia", ông Hòa cho hay. 

Số nhựa sau khi tái chế xong, nếu không sử dụng hết (vì là loại nhựa đen) thì ông Hòa có thể bán lại cho những người sản xuất chiếu khác với giá rẻ hơn 1/2 so với nguyên liệu nhập ban đầu.

Được biết, cơ sở dệt chiếu của ông Hòa bắt đầu đầu tư dây chuyển sản xuất chiếu nhựa kể từ năm 2014. Cho đến nay, cơ sở này đã có 28 máy dệt chiếu nhựa và 4 máy dệt chiếu cói, tạo công ăn việc làm cho 30 công nhân, trong đó có 23 công nhân nữ với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Ngoài cơ sở sản xuất chiếu nylon của ông Hòa, trên địa bàn xã Tân Lễ còn có 7 cơ sở dệt chiếu nylon với tổng 310 máy, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động trên địa bàn.

Bên cạnh ảnh hưởng ô nhiễm từ quá trình tái chế lại sợi nylon trong quá trình sản xuất chiếu nhựa, người dân xã Tân Lễ còn phải đối mặt với khói bụi từ việc đốt các sợi cói của nhiều hộ dệt chiếu cói truyền thống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn