Chưa hết lo thủy ngân, người Hà Nội lại lo nhiễm bụi

14:30 | 29/04/2016;
Thông tin ô nhiễm bụi ở Hà Nội vượt 1,5 lần mức cho phép, khiến nhiều người dân Thủ đô lo lắng. Nhiều biện pháp bảo vệ khi ra đường, trồng cây xanh trong nhà, nhằm hạn chế ô nhiễm được người dân thực hiện.
Ngụy trang thời… khói bụi

Khẩu trang, kính, áo chống nắng… là những vật dụng không thể thiếu khi ra đường của nhiều người. Chị Hạnh Dung, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: “Từ hôm có thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm, mình trang bị khẩu trang cho cả nhà. Trước đây, chỉ có mình đeo, các con hôm nhớ, hôm quên, còn chồng mình nói không với khẩu trang vì vướng víu, bất tiện. Đợt này “vận động” cả nhà đeo khẩu trang khi ra đường. Mẹ và các con còn thêm cả áo chống nắng bụi, mua loại tốt, mát và nhìn khá đẹp nên mặc ra đường thoải mái. Kính cũng được lựa chọn loại có uy tín tránh gây hại mắt cho cả nhà”.
duong.jpg
Ngụy trang khi ra đường tránh ô nhiễm khói bụi
Không riêng gì chị Hạnh Dung mà thời điểm này, nhiều người bắt đầu có ý thức bảo vệ sức khỏe trước thông tin không khí Hà Nội ô nhiễm. Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng chưa khẳng định chắc chắn, không khí Hà Nội có nhiễm thủy ngân hay không. Vì thế, nỗi lo hít thở phải thủy nhân chưa dứt thì lo lắng hít phải bụi đã hiện hữu.

Ngay tại trong nhà, các gia đình còn tìm mua các loại cây xanh trồng với hy vọng làm sạch không khí. Chị Mai Hằng, kinh doanh cây cảnh trên mạng cho biết: Thời gian này, khách hàng đặt mua cây xương rồng khá đông. Những chậu xương rồng tạo dáng, thiết kế trong chậu nhỏ xinh được khách ưa chuộng bởi tiện lợi trong trang trí và không tốn diện tích.

Các loại cây cảnh dễ trồng, dễ chăm sóc như sen đá, xương rồng, đặc biệt là cây dây nhện được khách hàng lựa chọn vì cây này giúp làm sạch môi trường trong nhà. Ngoài đặc tính sống dai, cây dây nhện giúp loại bỏ các nguồn khí độc trong nhà trong một thời gian ngắn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nghiên cứu Nasa, dây nhện giúp thanh lọc khí for-man-đê-hít, các tạp chất các-bon và benzen, xylen gây ô nhiễm không khí. Vì vậy, cây dây nhện thích hợp bày ở những nơi gần bếp, hoặc cửa ra vào - nơi tích tụ nhiều bụi bẩn và khí độ.

Ô nhiễm bụi vượt 1,5 lần cho phép

Số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường gần đây nhất cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Ở thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178. Đối chiếu với thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), chỉ số AQI đã được khuyến cáo người nhạy cảm cần hạn chế ở ngoài.
nhen.jpg
Cây dây nhện được nhiều người trồng trong nhà 
Số liệu quan trắc trên chỉ ra mức độ ô nhiễm bụi vượt 1,5 lần mức cho phép. Mức độ bụi này tùy thuộc vào thời điểm, thời tiết. Có những thời điểm mức độ ô nhiễm cao như 8-9h sáng khi các phương tiện giao thông tham gia đông đúc. Mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội là cao.
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Y học đã ghi nhận nhiều bệnh tật về đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm do bụi, hơi khí độc CO, CO2... Đây được coi là tác nhân gây ra các bệnh: Viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản...

TS Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không khí ô nhiễm có tác động mạnh tới hệ hô hấp và là tác nhân gây nên nhiều bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp, phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt với trẻ nhỏ. Tuy nhiên ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến hệ hô hấp như thế nào phải có các nghiên cứu đánh giá cụ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế tác động của ô nhiễm không khí, nếu vui chơi nên chọn chỗ nhiều cây xanh, thoáng mát. Trong trường hợp phải ra đường, nên trang bị các vật dụng bảo hộ như khẩu trang, kính mũ. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng. Hạn chế ra đường vào khung giờ cao điểm tránh khói bụi từ các phương tiện giao thông thải ra.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn