Chưa xác định được nguồn lây bệnh của 2 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Mê Linh

10:15 | 09/04/2020;
Hai bệnh nhân 243 và 250 đều nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành y tế chưa tìm ra nguồn lây bệnh đó.

Liên quan đến bệnh nhân 243 ở Mê Linh (Hà Nội), Bộ Y tế đã xác định có thêm 1 bệnh nhân là hàng xóm cũng mắc COVID-19 (BN250). Qua khai thác dịch tễ, được biết bệnh nhân 250 có tiếp xúc với bệnh nhân 243.

Thế nhưng, dư luận đặt câu hỏi, vì sao vợ, con của bệnh nhân 243 là những người thường xuyên tiếp xúc lại không bị nhiễm COVID-19 mà người hàng xóm lại mắc bệnh.

Về vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, hiện chưa thể xác định được đâu là F0 ở khu vực này.

Theo PGS. Trần Đắc Phu, qua điều tra dịch tễ, thì cả 2 bệnh nhân cùng tham dự một đám cưới người trong làng. Vì vậy, chưa thể khẳng định điều gì và ai là người nhiễm bệnh cho ai. Trước mắt, chỉ có thể xác định hai bệnh nhân đều nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành y tế chưa tìm ra nguồn lây bệnh đó.

Về những người thân không nhiễm bệnh, PGS. Phu cho rằng, có thể do cảm nhiễm và sức đề kháng của mỗi người khác nhau. Vì vậy, có người nhiễm, có người không và đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên. "Trước đây, tại Vĩnh Phúc, một nữ bệnh nhân nhiễm bệnh và tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, chỉ có một vài trường hợp nhiễm bệnh chứ không phải tất cả. Hoặc trường hợp bé 3 tháng tuổi mắc Covid-19, dù được mẹ chăm sóc nhiều ngày nhưng kết quả xét nghiệm của người mẹ vẫn âm tính với SARS-CoV-2", PGS. Trần Đắc Phu nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, đường lây truyền của virus SARS-CoV-2 chủ yếu qua đường tiếp xúc, các dịch tiết bắn ra từ người bệnh. Nếu thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng vệ là đeo khẩu trang đúng cách, tránh các giọt bắn của trẻ vào mắt, niêm mạc, đường hô hấp. Đồng thời, thực hiện rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc thì sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh. "Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Vĩnh Phúc đã từng đi nhiều nơi, gặp nhiều người, thậm chí có thể nói tiếp xúc gần với cả làng nhưng chẳng ai mắc bệnh. Như vậy, việc lây là tùy vào sức đề kháng của mỗi người, chứ không phải cứ tiếp xúc là nhiễm bệnh", bác sĩ Cấp nói.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn