Trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Điện và xăng dầu có vai trò rất quan trọng, là mặt hàng đầu vào của nhiều mặt hàng khác. Mọi sự biến động của mặt hàng này có sự ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh cũng như đời sống của người dân.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề xuất tăng giá điện, thì theo thẩm quyền được giao, Bộ này phải phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét, tính toán kỹ lưỡng về việc tăng giá điện. Nếu vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Đến thời điểm này, Bộ Công thương chưa xem xét việc tăng giá điện”.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng đã chỉ đạo “trước mắt chưa tăng giá điện”, trong thời điểm sự phát triển của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. “Nếu có tăng giá điện theo đề xuất của EVN, thì cũng phải xem xét kỹ lưỡng sự tác động của mặt hàng này tới các mặt hàng khác và nền kinh tế”, ông Hải nói.
trong thời điểm hiện tại |
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than.
Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng. Ngoài than, các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng.
Trong khi đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12% - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn. Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay nhưng có thể thấy các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện đang gây áp lực tăng giá điện trong năm 2017.