Có rất nhiều loại mứt Tết như mứt dừa, mứt cà rốt, mứt hạt sen,... mỗi loại mứt đều có hương vị riêng và có những lợi ích sức khỏe nhất định. Trong đó, có 3 loại mứt rất phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn uống ngày Tết do có thể phòng tránh rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa cảm lạnh,... Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nên ăn với lượng vừa đủ vì mứt có lượng đường khá cao.
Gừng là một loại gia vị phổ biến được sử dụng để chế biến các món ăn hàng ngày, đặc biệt gừng có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Trong gừng có chứa hợp chất gingerol có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, ... Gừng như một vị thuốc giúp giảm rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, giảm đau xương khớp,... Ăn mứt gừng vào mùa đông còn có thể giảm ho, cảm lạnh và đau dạ dày.
Với những lý do trên, mứt gừng là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung vào chế độ ăn uống ngày Tết. Mứt gừng bao nhiêu calo? Trong 100g mứt gừng có khoảng 350 kcal.
- Chuẩn bị nguyên liệu: Gừng tươi, đường, và muối.
- Cách thực hiện:
+ Gừng tươi mua về rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15-20 phút để khử hết mùi hăng của gừng.
+ Gọt vỏ gừng và thái gừng thành các lát mỏng.
+ Đun sôi một nồi nước, cho gừng vào chần sơ qua khoảng 1-2 phút rồi vớt ra để ráo nước.
+ Trộn gừng với đường, lượng đường sẽ tùy thuộc vào khẩu vị của bạn nhưng thông thường là theo tỉ lệ 1:1 so với gừng.
+ Để hỗn hợp gừng và đường ngấm khoảng 3-4 tiếng, hoặc qua đêm để gừng thấm đường tốt hơn.
+ Sau đó, cho hỗn hợp lên chảo, đun trên lửa vừa và liên tục khuấy đều để đường không bị cháy. Nếu thấy hỗn hợp hơi khô, bạn có thể thêm một ít nước lọc.
+ Khi đường bắt đầu khô lại và bám quanh lát gừng, hãy giảm lửa và tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi hỗn hợp gần khô hẳn và gừng trong.
+ Gắp gừng ra để trên vỉ cho ráo, sau đó phơi dưới nắng cho thật khô. Bạn cũng có thể sử dụng lò sấy ở nhiệt độ thấp nếu không có nắng.
+ Khi mứt gừng đã khô và nguội, bảo quản trong hũ thủy tinh kín để giữ được lâu.
Nhìn chung gừng khá an toàn nhưng gừng có thể tương tác với một số loại thuốc. Do đó, những người đang dùng thuốc làm loãng máu, dùng thuốc trị tiểu đường và thuốc huyết áp cao nên thận trọng khi ăn mứt gừng.
Ngoài ra, theo khuyến cáo không nên ăn quá 4g gừng mỗi ngày (đối với người lớn). Trẻ em dưới 2 tuổi không nên ăn gừng.
Quả quất thường được sử dụng theo 2 cách đó là ép lấy phần nước cốt hoặc có thể ăn như một loại hoa quả (có thể ăn cả vỏ). Ngoài ra, quất cũng được sử dụng phổ biến để làm mứt trong những ngày Tết.
Các axit chính có trong quả quất là axit ascorbic, dehydroascorbic và citric. Vỏ của quả quất cũng rất giàu chất xơ nên có thể thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và giúp bài tiết chất thải thức ăn và độc tố ra khỏi cơ thể.
Đặc biệt, vỏ quả quất chứa nhiều loại hóa chất quan trọng (limonene, α-pinene, β-pinene, linalool, geraniol và citral) tương tự như những loại có trong các loại quả họ cam quýt khác. Hơn nữa, vỏ của loại quả này cũng chứa flavonoid như naringosi, hesperidin, diosmin, diosmetin và hesperidin, có thể bảo vệ thành mạch máu, giảm tính thấm và tăng độ đàn hồi của mạch máu, do đó có thể ngăn ngừa vỡ mạch máu và hạ huyết áp.
Quả quất cũng chứa nhiều tinh dầu. Tinh dầu của quả quất bao gồm 25 hợp chất, trong đó D-Limonene là hợp chất phổ biến nhất. Tinh dầu này có nhiều lợi ích khác nhau, chẳng hạn như ngăn ngừa nấm móng, giúp ngủ ngon hơn, điều trị đau đầu, kích thích sự thèm ăn, khử mùi, giảm lượng đường trong máu, giảm đầy hơi, ngăn ngừa sự phát triển của ung thư gan, thực quản, ruột kết và da.
Mứt quất bao nhiêu calo? Trong 100g mứt quất có chứa khoảng 320 calo.
- Chuẩn bị nguyên liệu: Quất, gừng, đường, và muối.
- Cách thực hiện:
+ Quất chọn những quả chín, màu vàng tươi và mọng nước, đem rửa sạch.
+ Ngâm quất với nước muối loãng khoảng 30 phút rồi rửa sạch lại với nước.
+ Để nguyên vỏ, cắt bỏ phần cuống và cắt tỉa quất thành 8 đường đối xứng như tạo hình cánh hoa. Tiếp tục ấn dẹt 2 đầu quả quất để ép bỏ phần nước và hạt (giữ lại phần nước cốt)
+ Ngâm quất với nước muối khoảng 2 tiếng. Sau đó, dùng tay vắt sao cho quất sạch nước và khô ráo.
+ Đun sôi 1 nồi nước sau đó cho quất vào trụng khoảng 2 phút, tiếp tục vớt quất ra thả vào tô nước lạnh. Rửa và vắt quất lại một lần nữa và để ráo.
+ Cho 250ml đường vào tô, thêm 2 muỗng canh nước cốt quất đã vắt trước đó, 1 muỗng cà phê muối trộn đều hỗn hợp.
+ Cho quất vào tô hỗn hợp đường, sau đó cho vào thêm 1 nhánh gừng cắt sợi. Mang hỗn hợp quất đường đi phơi nắng khoảng 1 tiếng cho đường tan hoàn toàn.
+ Đem phần quất ngâm đường đi sên, bạn không nên đảo nhiều. Sên đến khi nào hỗn hợp đặc lại, quất bắt đầu trong và có màu đẹp mắt là được.
+ Để quất nguội rồi mới cho vào hũ thủy tinh kín để bảo quản.
Theo Đông y, vỏ bưởi có tính bình và có tác dụng hóa đờm, trừ phong, tiêu phù thũng, tiêu báng tích. Trong vỏ bưởi có chứa nhiều loại tinh dầu, trong đó loại dầu chiếm ưu thế nhất là limonene, hay D-limonene. Loại vỏ này cũng chứa các chất như vitamin A, C, đường ramnoza, các men amylaza, peroxydaza, naringin, pectin. Nhờ các thành phần ấn tượng này, vỏ bưởi đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Một số lợi ích sức khỏe nổi bật của vỏ bưởi như giảm táo bón, trị viêm phổi, giảm cơm say rượu, giúp hạ cholesterol và điều hòa lượng đường vào máu,...
- Chuẩn bị nguyên liệu: Vỏ bưởi, đường, và muối
- Cách thực hiện:
+ Vỏ bưởi sau khi tách khỏi phần thịt, bạn nên chọn những phần vỏ dày và còn tươi, rửa sạch với nước.
+ Ngâm vỏ bưởi với nước muối loãng khoảng 1-2 giờ để loại bỏ một phần chất đắng.
+ Xắt vỏ bưởi thành các sợi mỏng hoặc miếng nhỏ tùy theo sở thích.
+ Đun sôi một nồi nước, cho vỏ bưởi vào luộc sơ qua khoảng 4-5 phút, sau đó vớt ra và ngâm vào nước lạnh.
+ Lặp lại bước luộc và ngâm nước lạnh này khoảng 3 lần để giảm độ đắng của vỏ bưởi.
+ Trộn vỏ bưởi với đường, lượng đường thường gấp đôi lượng vỏ bưởi đã cân.
+ Để hỗn hợp vỏ bưởi và đường tầm khoảng 6-8 tiếng hoặc qua đêm để đường tan và ngấm đều.
+ Sau đó, đặt hỗn hợp lên bếp, đun nhỏ lửa và khuấy nhẹ nhàng để đường không bị cháy và ngấm đều vào vỏ bưởi.
+ Đun cho đến khi hỗn hợp sánh lại, vỏ bưởi trong và có màu cánh gián là có thể tắt bếp.
+ Để mứt vỏ bưởi nguội hoàn toàn rồi cho vào hũ thủy tinh kín để bảo quản.
Khi ăn mứt trong những ngày Tết, mọi người nên lưu ý:
- Mứt có chứa nhiều đường nên có thể làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, người có bệnh tiểu đường hoặc những người đang trong chế độ ăn kiêng giảm cân cần hạn chế lượng mứt tiêu thụ.
- Không nên ăn quá nhiều mứt một lúc vì có thể gây sâu răng và cảm giác khó tiêu.
- Khi ăn mứt, nên nhai kỹ để tránh nguy cơ hóc, đặc biệt với trẻ nhỏ và người cao tuổi.
- Bảo quản mứt trong lọ kín, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm thấp để mứt không bị hỏng và giữ được hương vị tốt nhất.
- Mứt thường chứa nhiều calo, do đó mọi người nên ăn với lượng vừa phải để tránh tăng cân.
Trên đây là các loại mứt tốt cho sức khỏe. Ngoài 3 loại mứt này, cũng có rất nhiều loại mứt khác thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, bạn nên ăn mứt với lượng vừa phải và bổ sung đa dạng các loại thực phẩm khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn