Việc học thuộc lòng các bài văn mẫu cứ tưởng chỉ tồn tại ở cấp tiểu học, khi lớp nào cũng có 70-80% học sinh giỏi, thậm chí có lớp còn trên 90%. Để đạt được tỷ lệ cao chót vót này, nhiều giáo viên tiểu học buộc phải yêu cầu học sinh học thuộc lòng Văn để các con đạt được điểm 9, điểm 10. Còn ở các cấp học cao hơn, sự quan sát, cảm nhận của học sinh đã khác, nên cứ tưởng không còn việc bắt học sinh học thuộc lòng.
Thế nhưng, mới đây, trên facebook của mình, một phụ huynh có con đang học lớp 9 ở Hà Nội rất bức xúc khi gần 1 tháng nay, ngày nào con cũng phải học thuộc lòng các bài văn mẫu. Điều nực cười nhất là con phải học thuộc từng dấu chấm, dấu phẩy, phải thuộc như cháo chảy mới thôi.
Nếu con tự làm bài theo cách của mình, con sẽ nhận điểm 0. Và sau tiết 5, con sẽ phải ở lại học thuộc cho đến khi nào cô kiểm tra con đã thuộc thì mới được về. Học thuộc theo dàn ý của cô mà không thuộc từng câu từng chữ cũng chỉ được 6 điểm và con phải ở lại học cho đến khi kiểm tra được điểm 7 mới được về.
Phụ huynh này bức xúc cho biết: “Bao nhiêu thứ hay ho mà tôi biết, tôi muốn con tôi học được, nào là active learning, nào là smart study method, nào là leadership… đều thua căn bệnh mang tên… học thuộc lòng. Vì cái gì vậy? Có phải vì muốn bọn trẻ học tốt hơn? Hay muốn đợt thi tốt nghiệp này các con đỗ hết? Hay muốn gì, muốn gì?".
Phụ huynh này chia sẻ, chị trước nay là người mẹ không ham thành tích mà theo đuổi tư tưởng học hành tự thân, nghĩa là khả năng con học được đến đâu thì học, không cần phục vụ mục đích điểm số, lại càng không cần con phải học… cho ai đó.
Thế nên, những ngày còn lại ở ngôi trường THCS, chị mong con có những kỷ niệm thật đẹp chứ không phải là những ngày nhịn cả bữa trưa để ngồi học thuộc những bài văn mẫu.
Cùng với nỗi niềm của bà mẹ này, không ít phụ huynh khác cảm thấy chán nản với cách dạy và học hiện nay. Bởi đây là kiểu giáo dục triệt tiêu sáng tạo, tạo ra những tư duy lối mòn và khuôn sáo. Chị Ái Phương chia sẻ: “Ngày con mình thi, mình thuộc hơn cả con. Phải nhớ tên tác phẩm, tác giả, năm sáng tác,… không thể chán hơn”.
Còn chị Huệ Chi phàn nàn: Tôi khuyến khích con viết văn để con thỏa sức mơ mộng, tâm hồn đỡ khô khan. Thế nhưng, con viết theo con cảm nhận thì chệch mẫu và bị điểm kém. Con nói với mẹ: "Nghe cô điểm cao, nghe mẹ điểm kém". Những lúc như thế, lòng nặng trĩu, không biết phải nói gì với con.