Tết âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất với nhiều nền văn hóa Đông Á. Cứ tầm cuối tháng 1, đầu tháng 2, hàng loạt các nước châu Á và cộng đồng người gốc Á tại nước ngoài lại nhộn nhịp không khí đón Tết. Không có gì ngạc nhiên rằng dù có đi đâu, tinh thần Tết vẫn nằm sâu trong mỗi người con Đông Á.
Tinh thần này thể hiện rõ qua bộ tranh ảnh khắc họa ngày Tết của cộng đồng gốc Á tại San Francisco (California, Mỹ) hồi cuối thế kỷ 19, đầu 20.
Từ những năm 1850 và 1860, hàng loạt làn sóng di cư từ Trung Quốc và châu Á diễn ra, tạo nên một cộng đồng gốc Á đông đúc, đa dạng ở mảnh đất viễn Tây này. San Francisco trong cơn sốt vàng là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa. Như nhà báo Bayard Taylor của tờ New York Tribune đã viết khi ông đến thăm thành phố vào năm 1849.
Đường phố chật ních người, hối hả qua lại, và ngoại hình cũng đa dạng, kỳ lạ như những ngôi nhà: Người Mỹ đủ kiểu, cư dân California bản địa, người Chilias, Sonorians, Kanakas từ Hawaii, người Trung Quốc với bím tóc dài, người Mã Lai, và những sắc dân khác với khuôn mặt để râu, không thể nhận ra bất kỳ quốc tịch cụ thể nào.
Môi trường gần gũi với rất nhiều sắc tộc tự nhiên đã tạo ra một sự khoan dung nhất định và kiến thức đa văn hóa cho người dân thành phố Cổng Vàng. Nhưng đến mỗi dịp Tết, tờ báo địa phương Daily Alta California vẫn cảm thấy cần lưu ý người dân nhiều điều về ngày lễ này, đặc biệt khi họ liệt kê hàng chục câu chúc khác nhau với giải nghĩa cụ thể.
Còn đối với William Brewer, một giáo viên khoa học tự nhiên, từng tham gia nhóm tiến hành khảo sát địa chất đầu tiên của California, thì tiếng pháo nổ vang suốt vài ngày trời chắc chắn là một điều không thể thiếu vào mỗi dịp xuân về ở San Francisco.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn