Thời gian gần đây, tại các tỉnh, thành trong cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy chung cư, nhà cao tầng gây thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, thảm khốc nhất là vụ cháy tại chung cư Carina (1648 nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP HCM) làm 13 người chết.
Theo nhận định ban đầu, vụ cháy xuất phát từ một chiếc xe máy đậu dưới tầng hầm của chung cư. Hơn nữa, hệ thống cửa ngăn cháy đã bị kê lại, không đóng dẫn tới lối thoát hiểm là cầu thang bộ vô tình là nơi dẫn khí độ lên các tầng trên của chung cư.
Trước đó, chiều 1/11/2016, một đám cháy lớn tại quán karaoke ở phố Trần Thái Tông, TP Hà Nội và lan ra khu vực lân cận làm 13 người chết, 4 căn nhà bị cháy rụi. Một số ôtô, xe máy dựng trên vỉa hè trước các căn nhà này cũng bị thiêu rụi. Nguyên nhân gây cháy là do thợ hàn Hoàng Văn Tuấn sử dụng hồ quang điện cắt bản lề nhưng không có dụng cụ che chắn dẫn tới lửa vảy hàn bắn vào phần ốp cách âm, gây cháy. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, quán chưa có giấy phép hoạt động, đồng thời cơ sở chưa được nghiệm thu đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Theo thống kê, trong năm 2017, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ, làm 75 người chết, 143 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng. Dù vậy, điều khiến dư luận quan tâm là những vụ có nhiều người chết như cháy quán karaoke ở Hà Nội hay chung cư ở TP.HCM.
Thực tế, tại các chung cư, trước khi được đưa vào hoạt động phải được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) và phương án chữa cháy khi xảy ra sự cố. Hơn nữa, mỗi năm ít nhất một lần chung cư sẽ tổ chức diễn tập PCCC để trang bị kiến thức cho người dân. Đó là chưa kể, tại các cơ quân nhà nước, doanh nghiệp hàng năm cũng đều diễn tập PCCC cho cán bộ, nhân viên. Thế nhưng, khi sự cố xảy ra, nhất là cháy tại các chung cư, nhà cao tầng thì số người chết vẫn cao. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy tại Việt Nam, nhất là tại các tòa nhà cao tầng. Đó là người dân dù đã được tập huấn nhưng vẫn không hiểu gì về PCCC. Có nghĩa, họ chỉ đến cho có mặt mà không trang bị thêm được kiến thức về PCCC. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, người dân không biết xử lý như thế nào. Hơn nữa, ý thức người dân tại các chung cư chưa cao. Nhiều người dân, kể cả bảo vệ vẫn có thói quen hút thuốc trong hầm gửi xe và đây cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Đó là chưa kể, việc cứu nạn, cứu hộ PCCC tại Việt Nam chưa thật sự khoa học, hiệu quả, bác sĩ Phúc nói.
Anh Trần Hữu Hòa, Phó Ban quản trị tòa nhà CT2-TP (khi đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà nội) cho rằng, tại các chung cư nói chung, hệ thống còi báo động thực sự có vấn đề. Ví như tại tòa nhà CT2-TP, dù không có cháy nhưng hệ thống báo cháy cũng kêu. Khi người dân chạy ra thì thấy chẳng có cháy gì. Nhiều lần như vậy, nên hễ nghe chuông báo cháy, người dân cũng kệ.
Cũng theo anh Hòa, tại nhiều chung cư lân cận, dù chưa có phương án chữa cháy nhưng vẫn được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, tại nhiều chung cư, cầu thang thoát hiểm được thiết kế và sử dụng sai mục đích. Bên trong thang thoát hiểm, cư dân lại tận dụng để đồ đạc khiến khi xảy ra sự cố việc thoát hiểm bị ảnh hưởng.