Thị trường chứng khoán có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, VN-INDEX đạt mức điểm 1.165, tăng 11,22 điểm (0,97%). HNX-INDEX tăng 1,09 điểm (0,48%) và UpcoM-INDEX tăng 0,30 điểm (0,35%).
Tổng kết toàn sàn 13/7 có 644 mã tăng, 262 mã giảm. Thị trường thanh khoản gần 19,3 tỷ đồng. Cụ thể, trên HOSE là 16,684 tỷ, HNX là 1,732 tỷ và UpcoM là 864 tỷ.
Đứng đầu bảng cho nhóm tăng, đóng góp cho sự tăng tốc của thị trường là GAS và MSN tăng 2,9%, VHM tăng 2,18%, SAB tăng 1,66%. Ngược lại, một số ít mã vốn hóa lớn mất điểm như VNM và HVN gây sức ép nhẹ.
Lực kéo chiều nay chủ yếu nằm tại nhóm VN30 khi kết thúc phiên, chỉ số đại diện tăng 0,83%, góp phần tích cực cho thị trường đi lên với 27/30 mã tăng giá, 2 mã giảm. VNM là cổ phiếu duy nhất tụt sâu khi giảm 0,54%. Hai mã còn lại, MWG và BVH chỉ là thu hẹp đà tăng. Ngoài ra, cổ phiếu PLX giảm 0,24% nhưng tại phiên chiều đã phục hồi nhẹ.
Sắc xanh "nhuốm màu" hầu hết tại các nhóm ngành lớn.
Nhóm bất động sản - xây dựng thu hút dòng tiền nhất thị trường, với giá trị 4.395 tỷ đồng. Điển hình với các mã NLG, HDC, HUB, UDC,… cùng lúc tăng trần; HDG, IJC, DIG, KHG, DXG, PC1, KDH tăng từ 3 – 5%; NVL, VHM, KBC,… giao dịch tích cực.
Ngoài ra, các mã nhỏ trong nhóm bất động sản cũng giao dịch sôi động, khi HPX, TDH, ITA, SCR, LDG,... đều tăng. Liên quan đến mã HPX, sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HOSE) quyết định về việc đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 và không được cấp margin trong quý III năm nay. Lý do vì công ty chưa họp đại hội cổ đông thường niên. Doanh nghiệp này đã có giải trình về vụ việc trên.
Các nhóm hóa chất, ngân hàng và vật liệu, ô tô và phụ tùng, hàng cá nhân và gia dụng, công nghệ thông tin, thép... cũng đồng loạt tăng giá.
Nhóm tài chính - bảo hiểm, trừ NVB, MIG, VIG, EIB đỏ (giảm) thì đa phần các cổ phiếu còn lại đều tăng, tuy nhiên, biên độ chưa mạnh.
Ở khía cạnh khác, dược phẩm là nhóm hiếm hoi mất điểm với biên độ giảm nhẹ tại DHG, DBD.
Mã cổ phiếu nhóm APEC gây bất ngờ trong phiên ngày hôm qua (12/7), khi cả 3 mã: APS, API, IDJ đều kết phiên ở trạng thái tím (kịch trần). Tới phiên hôm nay, sau khi tăng cao ngay đầu phiên thì tới cuối phiên, cổ phiếu "họ APEC" có sự phân hóa mạnh, cụ thể, APS tăng hơn 3%, API giảm về tham chiếu, IDJ giảm 1,8%.
Có thể thấy, vụ việc "thao túng thị trường chứng khoán" của ông Nguyễn Đỗ Lăng, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đã ảnh hưởng không nhỏ tới cổ phiếu, động lực để tăng giá trở lại của các doanh nghiệp APEC vẫn chưa có dấu hiệu xuất hiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn