Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm

09:57 | 18/11/2024;
Tâm lý tiêu cực từ khối ngoại lan toả; VN-Index có khả năng giảm về 1.200 điểm; Vinpearl trở lại sàn chứng khoán; Lịch trả cổ tức; Điểm danh cổ phiếu tháng 11.

VN-Index giảm mạnh 34 điểm trước áp lực khối ngoại

VN-Index tiếp tục kết thúc một tuần giao dịch ảm đảm, với phiên giảm mạnh tới 13,32 điểm (tương đương 1,08%), về mức điểm 1.218,6 điểm, thấp nhất trong hơn 3 tháng qua. Tại sàn HOSE, thanh khoản tăng lên gần 18.650 tỷ đồng, tăng 15,6% so với phiên trước đó, nhưng nghiêng hẳn về phe bán với 305 mã giảm, 75 mã tăng.

Các cổ phiếu trụ từ nhóm VN30 chịu áp lực lớn khi giảm gần 15,5 điểm với 26/30 mã giảm, trong đó, SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) giảm mạnh nhất với 3% khi khối ngoại bán ròng 8,5 triệu đơn vị..

Ngoài ra, dòng tiền tập trung vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản với phe bán chủ yếu, VIX (Chứng khoán VIX, HOSE) dẫn đầu thanh khoản với gần 29,5 triệu đơn vị, giảm 2,2% giá trị.

Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm- Ảnh 1.

Dòng tiền tập trung nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhưng phe bán chiếm ưu thế (Ảnh: SSI iBoard)

Diễn biến khối ngoại bán ròng lan tỏa chiều hướng tiêu cực tới toàn thị trường, giá trị bán ròng lũy kế 5 phiên lên tới 3.806 tỷ đồng toàn thị trường. Hai cổ phiếu VHM (Vinhomes, HOSE) và FPT (FPT, HOSE) chịu áp lực mạnh nhất, lần lượt là 868 tỷ đồng và 606 tỷ đồng.

"Điểm sáng" hiếm hoi xuất hiện tại KBC (Đô thị Kinh Bắc, HOSE) và SZC (Sonadezi Châu Đức, HOSE) thuộc nhóm bất động sản, tăng hơn 2%. Bên cạnh đó là VTP (Viettel Post, HOSE) tiếp đà "ngược dòng" tăng đỉnh với sắc tím, cải thiện thị giá 7%, đạt 122.500 đổng/cp, thanh khoản gần 2,5 triệu đơn vị.

Tổng kết cả tuần, chỉ số VN-Index mất 34 điểm, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong bối cảnh lực bán áp đảo diện rộng.

VN-Index đã rút đỉnh giảm hơn 6% về thấp nhất trong 3 tháng qua, thanh khoản đã có sự cải thiện hơn trong những phiên gần đây, song, chỉ số vẫn liên tục điều chỉnh, phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ gần, cho thấy tâm lý không ổn định, tiêu cực vẫn xuất hiện chủ yếu trong giới đầu tư.

Novaland có 2 Phó Tổng giám đốc mới

CTCP Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL, HOSE) vừa công bố về việc bổ nhiệm ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc Novaland, kể từ ngày 15/11/2024. Tại nghị quyết HĐQT, việc bổ nhiệm hai lãnh đạo cấp cao nằm trong kế hoạch kiện toàn bộ máy điều hành, góp phần quan trọng giúp Novaland hoàn thành công cuộc chuyển đổi, tái cấu trúc và thực thi các kế hoạch, chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.

Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm- Ảnh 2.

2 tân Phó Tổng Giám đốc tại Novaland, ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân ((Ảnh: Internet)

Ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân được biết là những nhân sự cấp cao, với hơn 10 năm gắn bó với Novaland, đóng góp vào những kết quả quan trọng cho quá trình phát triển của Tập đoàn, đặc biệt là trong giai đoạn tái cấu trúc.

Trước đó, vào ngày 01/11 vừa qua, HĐQT Novaland cũng mới bổ nhiệm ông Dương Văn Bắc giữ chức Tổng Giám đốc (CEO) công ty thay ông Dennis Ng Teck Yow.

Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm- Ảnh 3.

Cổ phiếu NVL giao dịch tại vùng thấp nhất từ đầu năm tới nay (Ảnh: SSI iBoard)

Về tình hình kinh doanh, mặc dù quý 3/2024, "ông lớn" địa ốc này báo lãi kỷ lục 2.950 tỷ đồng, nhưng tổng 9 tháng đầu năm nay, Novaland vẫn báo lỗ 4.376 tỷ đồng.

Tại sàn, cổ phiếu NVL giảm mạnh từ hồi giữa tháng 4, hiện đang nằm ở vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.

Từ tháng 7/2024 đến nay, Sunrise Riverside (TPHCM), một dự án của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland, đã liên tục bàn giao hàng trăm sổ hồng tới tay cư dân. Theo kế hoạch, từ nay đến quý III/2025, dự án sẽ hoàn tất các thủ tục hồ sơ và bàn giao khoảng 3.000 sổ hồng, thể hiện nỗ lực của Novaland trong việc thực hiện cam kết và đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Vinpearl quay trở lại sàn HOSE

Ngày 15/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của CTCP Vinpearl. Đây là bước tiến quan trọng để doanh nghiệp này chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này nằm trong kế hoạch đã được lãnh đạo Vingroup thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.

CTCP Vinpearl có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Tại thời điểm ngày 30/9, Vingroup (VIC, HOSE) sở hữu 85,55% cổ phần của doanh nghiệp.

Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm- Ảnh 4.

Vinpearl chuẩn bị quay lại sang chứng khoán (Ảnh: Vinpearl Nha Trang)

Trước đó, năm 2008, Vinpearl từng niêm yết trên HOSE với mã VPL, nhưng đến ngày 26/12/2011, công ty chính thức hủy niêm yết. Lý do vì Vinpearl sáp nhập vào CTCP Vincom để hình thành Tập đoàn Vingroup như ngày nay.

Cuối tháng 11/2023, trước khi trở thành công ty đại chúng, Tập đoàn Vingroup đã tách CTCP Vinpearl và thành lập một công ty con mới trên cơ sở tách doanh nghiệp. Công ty mới mang tên CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt, với vốn điều lệ dự kiến 20.420 tỷ đồng, do Vingroup nắm giữ trên 99,96% cổ phần. Sau đó, công ty này được sáp nhập vào CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart vào ngày 22/4/2024 nhằm phục vụ mục đích tái cấu trúc nội bộ, tinh gọn hệ thống doanh nghiệp.

Về kết quả kinh doanh, Vinpearl từng chịu lỗ nặng trong đại dịch COVID-19 với 9.570 tỷ đồng năm 2020 và 9.459 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, công ty đã có lợi nhuận trở lại vào năm 2022 và 2023. Thông tin gần đây nhất, 6 tháng đầu năm 2024, Vinpearl báo lãi 2.579 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lợi nhuận cả năm 2023.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vinpearl tăng mạnh trong 5 năm qua. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 610 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/6/2024 đã tăng lên 31.513 tỷ đồng, gấp gần 52 lần. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn chủ sở hữu đã tăng thêm 18.196 tỷ đồng.

Như vậy, tính cả cổ phiếu Vinpearl, hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 5 công ty niêm yết tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC, HOSE); CTCP Vinhomes (VHM, HOSE); CTCP Vincom Retail (VRE, HOSE); và CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF, UPCoM). Ngoài ra, công ty con VinFast (VFS) niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ.

Cổ phiếu thủy sản REE và bất động sản KBC kỳ vọng tăng tích cực

Theo danh mục đầu tư nửa cuối tháng 11/2024 của TCBS Analysts (Chứng khoán Techcombank), 2 cổ phiếu REE (Cơ điện lạnh REE, HOSE) và KBC (Đô thị Kinh Bắc, HOSE) bất ngờ được bổ sung thay cho CTG (VietinBank, HOSE) và HCM (Chứng khoán TPHCM, HOSE).

Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm- Ảnh 5.

Diễn biến cổ phiếu REE thời gian gần đây (Ảnh: SSI iBoard)

Cổ phiếu REE được kỳ vọng tích cực nhờ hai động lực chính: (1) Thủy văn chuyển dần sang pha La Niña giúp cải thiện sản lượng và hiệu quả hoạt động mảng thủy điện; (2) Lượng backlog mảng cơ điện lạnh hồi phục nhờ các dự án lớn như sân bay Long Thành và tỷ lệ lấp đầy tại tòa Etown 6 tăng mạnh sau khi đi vào hoạt động từ tháng 6/2024.

Trong khi đó, KBC ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về kết quả kinh doanh. Quý III/2024, doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 196 tỷ, tăng mạnh so với mức 14 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, TCBS Analysts đưa ra dự báo năm 2025 sẽ là năm tăng trưởng tích cực của KBC khi dự án Tràng Duệ 3 dự kiến được chấp thuận đầu tư cuối năm 2024 và bắt đầu mở bán vào năm 2025. Đồng thời, ngành bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ thông tin tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn FDI và các dự án quy mô lớn.

Điểm danh cổ phiếu "tăng giá" sau khi thị trường tạo đáy

Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá thị trường bước vào tháng 11 với nhiều tin tức tích cực hơn so với tháng trước.

Đối với thông tin quốc tế, việc ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ được kỳ vọng đem đến nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, các điểm nóng xung đột trên thế giới như Trung Đông đã phần nào hạ nhiệt.

Còn trong nước, sản xuất hồi phục đáng kể, xuất khẩu và vốn đầu tư FDI tiếp tục tích cực; tăng trưởng tín dụng bứt tốc trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh phát sinh trái phiếu chậm trả; đà tăng trưởng dự kiến tiếp tục duy trì tích cực trong 2 tháng còn lại của năm 2024;…

Dù vậy, điểm trừ là các diễn biến không mong muốn trên thị trường tài chính với việc lãi suất huy động các nhà bằng đã đồng loạt tăng trở lại trong nửa đầu tháng 11 trong khi tỷ giá đã tăng trở lại trong 3 tuần gần đây.

Vì vậy trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trở lại.

Nhà đầu tư (NĐT) nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô như: bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, công nghệ, thực phẩm… Đồng thời, nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, thể hiện sức mạnh hơn thị trường chung hoặc các cổ phiếu tạo mô hình đáy.

ABS đưa ra danh mục cổ phiếu được khuyến nghị cho tháng 11, gồm: ELC (Công nghệ - Viễn thông Elecom, HOSE), MSH (May Sông Hồng, HOSE), TCM (May Thành Công, HOSE), DTD (Phát triển Thành Đạt, HNX), LHG (Long Hậu, HOSE), SZC (Sonadezi Châu Đức, HOSE), VHC (Vĩnh Hoàn, HOSE), ANV (Nam Việt, HOSE), BAF (Nông nghiệp BAF, HOSE), VCG (Vinaconex, HOSE), DGC (Hoá chất Đức Giang, HOSE).

Nhận định và khuyến nghị

Theo ông Nguyễn Hưng Phát, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset, tâm lý tiêu cực có khả năng vẫn sẽ kéo dài trong tuần này, mức hỗ trợ của VN-Index quanh vùng 1.200 điểm trước khi tạo được vùng cân bằng khi thanh khoản đang khá ảm đạm.

Thị trường đang chịu áp lực từ đồng USD tăng cao và chính sách kinh tế của Tổng thống Trump sẽ khiến dòng tiền khối ngoại tiếp tục bán ròng ở Việt Nam và các nước trong khu vực để đầu tư vào Mỹ.

Ngoài ra, dòng tiền thị trường yếu, gia tăng tình trạng phân hóa theo kết quả kinh doanh diễn ra mạnh hơn khi một số nhóm ngành có mức tăng trưởng quý 3 vừa qua không được như kỳ vọng.

Chứng khoán tuần 18 - 22/11: VN-Index chịu áp lực mạnh tại vùng hỗ trợ 1.200 điểm- Ảnh 6.

VN-Index gặp vùng hỗ trợ tâm lý mạnh tại 1.200 điểm

Dù vậy, tuần cuối tháng 11 được kỳ vọng có nhịp hồi phục trở lại để giải tỏa tâm lý cho thị trường trước bối cảnh vĩ mô sáng hơn và các nhóm ngành xuất khẩu bắt đầu cho tín hiệu khả quan từ kết quả kinh doanh.

Cụ thể, áp lực tỷ giá trong nước sẽ giảm dần khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất USD ngắn hạn, và nguồn USD trong nước sẽ được cải thiện nhờ vào: thặng dư thương mại, kiều hối và FDI giải ngân cao.

Thêm vào đó, các nhóm ngành xuất khẩu và vận tải biển vào cuối năm nay và đầu năm sau sẽ được kỳ vọng tích cực khi làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và các nước sẽ tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm.

Trong dài hạn, sự hỗ trợ từ Thông tư 68 và sửa đổi Luật Chứng khoán gỡ vướng "pre-funding" cho nhà đầu tư nước ngoài và đạt điều kiện nâng hạng thị trường sẽ giúp đón dòng tiền từ các quỹ ngoại đầu tư vào Việt Nam.

Chứng khoán SHS nhận định, VN-Index chịu áp lực bán mạnh liên tiếp khiến chỉ số giảm về dưới vùng hỗ trợ 1.220 điểm, thanh khoản không mấy tích cực với khối lượng giao dịch tại HOSE tăng, độ nghiêng thị trường về phe tiêu cực. Cộng hưởng cùng với đó là áp lực bán ròng từ khối ngoại. Do vậy, về ngắn hạn, vùng hỗ trợ của VN-Index là 1.200 – 1.210 điểm, đây cũng là ngưỡng tâm lý mạnh, NĐT nên chú ý.

Chứng khoán SSI cho rằng, các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục phản ánh tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn, điểm tựa tiếp theo của chỉ số sẽ nằm quanh vùng 1.210 – 1.211 điểm.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 19 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 18 - 22/11, trong đó, 18 doanh nghiệp đều trả bằng tiền mặt và 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.

Tỷ lệ cao nhất là 70%, thấp nhất là 3%.

1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:

CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/11, tỷ lệ là 10%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Sàn Ngày GDKHQ Ngày TH Tỷ lệ
HJSHNX18/1129/116%
PATUPCOM19/1120/1270%
XMPUPCOM19/112/129%
NDWUPCOM19/1127/115,6%
BSAUPCOM19/1124/1210%
SJDHOSE19/1120/1218%
PAIUPCOM19/1131/129%
VEAUPCOM19/1120/1250,4%
LLMUPCOM19/1120/124,5%
DGCHOSE19/1120/1230%
GMXHNX19/1112/126%
ICNUPCOM19/1111/1215%
TIXHOSE20/1125/1212,5%
MFSUPCOM20/1123/1225%
SFCHOSE21/1116/1215%
SJGUPCOM22/1116/1210%
VLPUPCOM22/1124/123%
NTCUPCOM22/1118/1260%

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn