Tuần qua, thị trường chứng kiến 3 phiên liên tiếp đi lùi, mất tới 12 điểm, đến phiên cuối tuần, nhóm ngân hàng kéo thị trường trở lại, sàn HOSE chốt tuần với 1.175,67 điểm.
Hai sàn HNX và UPCoM lần lượt đóng phiên tuần với 229,43 điểm và 87,7 điểm.
Giao dịch thanh khoản vẫn khá khiêm tốn, trung bình cả tuần khoảng 14.600 tỷ đồng/phiên tại sàn HOSE. Tính riêng tổng giao dịch tại 3 sàn trong phiên cuối tuần qua chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhà đầu tư dường như đang dần thoát vốn trước khi nghỉ lễ, đồng thời, lực bán không mạnh do chưa có mức giá tốt.
Nhóm ngành ngân hàng trở thành trụ kéo VN-Index cho chiều tăng trở lại trong tuần qua khi trước đó liên tiếp ghi nhận các phiên giảm, bốc hơi tới 12 điểm.
Sắc xanh hầu hết đều xuất hiện tại các mã ngành này, với 14 cổ phiếu tăng, gấp 7 lần số mã giảm (2 mã giảm). Điển hình như: VCB (Ngân hàng Vietcombank, HOSE), MBB (Ngân hàng Quân đội, HOSE), CTG (Ngân hàng VietinBank, HOSE), ACB (Ngân hàng Á Châu, HOSE)...
Dù vậy, biến động các ngành không có sự đồng nhất, một số mã chứng khoán và bất động sản là động lực tăng của phiên sáng nhưng tới chiều lại tụt về.
Ngoài ra, nhóm ngành thép cũng đóng vai trò là động lực cho thị trường với HPG (Tập đoàn Hòa Phát, HOSE), HSG (Tập đoàn Hoa Sen, HOSE), NKG (Thép Nam Kim, HOSE)...
Mặc dù xuất hiện nhiều tín hiệu rung lắc từ tuần trước, song, đối với tuần trước thềm năm mới, nhìn chung thị trường vẫn nhận về nhiều dự báo, kỳ vọng tích cực, hướng tới 1.200 điểm.
Chứng khoán SSI dự báo, vùng hỗ trợ tại 1.168 – 1.169 điểm đã giúp chỉ số VN-Index đảo chiều nhẹ, các chỉ báo kỹ thuật đã cho thấy tín hiệu tích cực, thể hiện nhịp hồi phục tiếp diễn hướng đến vùng 1.180 – 1.182 điểm trong ngắn hạn.
Chứng khoán SHS dự báo, trong ngắn hạn, VN-Index đang trong nhịp tăng và phát tín hiệu kết thúc các phiên điều chỉnh và có thể kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên tới tại vùng 1.200 điểm. Về trung hạn, VN-Index đang vận động vùng cân bằng với nền tích lũy mới trong khoảng 1.150 – 1.250 điểm. Do vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua vào các nhịp rung lắc trong phiên tới với kỳ vọng thị trường có đợt tăng mới tích cực. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể giải ngân nhưng với quan điểm mua tích lũy dần.
Chứng khoán VCBS dự báo, ở góc độ kỹ thuật, thị trường có thể tiếp tục xuất hiện các phiên hồi phục trong tuần tới và khả năng cao sẽ trở lại khu vực đỉnh quanh 1.190 điểm với sự phân hóa giữa các nhóm ngành. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì chiến lược lướt sóng trong tuần sau đối với cổ phiếu có dấu hiệu thu hút dòng tiền ổn đỉnh. Nhà đầu tư dài hạn cân nhắc giải ngân từng phần đối với cổ phiếu đang giữ.
Đã có khoảng 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 và cả năm 2023, theo đó, phần lớn các ngân hàng tư nhân đều không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được đề ra trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu bởi các nhà băng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận bị co hẹp dù nhiều mảng kinh doanh có kết quả tích cực.
Trong khi Ngân hàng Techcombank (TCB, HOSE) và Ngân hàng Á Châu (ACB, HOSE) hoàn thành sát nút kế hoạch thì các ngân hàng khác như Ngân hàng Quốc tế (VIB, HOSE), Ngân hàng TPBank (TPB, HOSE), Ngân hàng Eximbank (EIB, HOSE)... đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đã có hơn 600 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, nhóm bất động sản ghi nhận sự cải thiện lớn, trong đó, nhiều công ty báo lãi tăng gấp hàng trăm lần so với cùng kỳ.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR, HOSE) không còn ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn như quý 4/2022. Lợi nhuận sau thuế, PDR đạt 282,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với quý 4/2022 lỗ gần 232 tỷ đồng.
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA, HOSE) đạt doanh thu 27,6 tỷ đồng trong quý 4/2023, giảm 23,5%. Nhưng do công ty đã tiết giảm chi phí giá vốn xuống hơn 60% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận gộp tăng gần 160%, kết quả, lợi nhuận đạt gần 5,2 tỷ đồng, tăng vọt gấp 32 lần so với mức 160 triệu đồng của quý 4/2022.
CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX, HOSE) đạt doanh thu quý 4/2023 hơn 502 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt gần 73 tỷ đồng, tăng mạnh tới 4 lần. Công ty cho biết, kết quả này đến từ việc công ty đã chuyển nhượng vốn tại công ty con và bàn giao nhà cho người mua, cụ thể là chuyển nhượng toàn bộ 78% vốn tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.
Chào sàn ngày 18/1 với giá 19.000 đồng/cp, cổ phiếu QNP (CTCP Cảng Quy Nhơn, HOSE) đã tăng trần liên tiếp lên 34.200 đồng/cp, sau khi "chuyển nhà" từ sàn HNX sang sàn HOSE.
Diễn biến này được cho là đến từ việc kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh thu quý 4/2023, công ty đạt 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, lãi gộp tăng 44,2% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 57% đã giúp QNP thu lãi hơn 23 tỷ đồng, hồi phục mạnh mẽ so với cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng.
Tổng cả năm, QNP đạt 978 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, sau khi giảm chi phí, lợi nhuận vẫn tăng tới 154% tại 112,3 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch của năm là 65 tỷ đồng lợi nhuận.
Gần đây, Cảng Quy Nhơn còn đón nhận một tin vui khác. Ngày 23/1 vừa qua, công ty đã nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao về việc tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Theo đó, Tòa quyết định hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm ngày 16/12/2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng; hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ” giữa nguyên đơn là công ty TNHH Vận tải Biển Cửu Long với bị đơn là Cảng Quy Nhơn và đơn vị liên quan là công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh. Bởi vậy, việc TAND Đà Nẵng tuyên buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện Hợp đồng Kinh tế hai bên ký kết và trả cho Công ty Cửu Long hơn 53,48 tỷ đồng đã không được thông qua.
Thống kê cho thấy, có 5 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này. Theo đó, cả 5 doanh nghiệp đều trả cổ tức bằng tiền, với tỷ lệ trả cao nhất là 53%, thấp nhất là 5%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 29/1 - 4/2
* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền - là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty hiện tại.
Mã CK | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
MH3 | UPCOM | 29/1 | 10/4 | 7% |
CLC | HOSE | 29/1 | 28/2 | 15% |
SBH | UPCOM | 30/1 | 15/5 | 53,3% |
PAC | HOSE | 31/1 | 28/2 | 5% |
HUB | HOSE | 31/1 | 29/2 | 10% |
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn