Cổ phiếu ngân hàng lên ngôi, VN-Index "giằng co" trước 1.300 điểm
VN-Index chốt tuần qua khi giảm nhẹ ở mức 0,6 điểm, giữ ở ngưỡng 1.290,92 điểm. Đây là kết quả sau 3 phiên liên tiếp tăng mạnh tuần qua. Nhìn lại diễn biến tuần qua cho thấy, có những lúc chỉ số tiệm cận vùng 1.300 điểm, song, áp lực bán dần xuất hiện vào phiên cuối tuần, khiến thị trường quay đầu giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế. Tâm điểm là STB (Sacombank, HOSE) trở thành mã tăng giá mạnh nhất nhóm VN30, tăng 9% sau 4 phiên tăng liên tiếp, đạt 33.600 đồng/cp, tiệm cận mức đỉnh lịch sử. Nối sau là SHB (SHB, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), BID (BIDV, HOSE).
Thanh khoản cải thiện đáng kể, giao dịch chủ yếu ở ngưỡng 20.000 – 24.000 tỷ đồng/phiên. Điều này có sự góp mặt tích cực từ khối ngoại với lực mua ròng trở lại.
Chỉ riêng phiên cuối tuần, khối ngoại đã mua ròng 140 tỷ đồng, tập trung tại: CTG (VietinBank, HOSE), SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), VNM (Vinamilk, HOSE), TPB (TPBank, HOSE), FPT (FPT, HOSE).
Loạt báo động trong kết quả kinh doanh soát xét bán niên của Novaland
Tại báo cáo soát xét bán niên 2024 của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va – Novaland (NVL, HOSE), phía kiểm toán đã đặt ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty, nguyên nhân đến từ dòng tiền eo hẹp, áp lực nợ vay cao, kế hoạch tái cấu trúc.
Theo đó, khoản lỗ bán niên 2024 là 7.327 tỷ đồng trong khi tổng tài sản cũng giảm 2.700 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 238.800 tỷ đồng khiến chất lượng tài chính tại công ty suy giảm rõ rệt.
Nợ phải trả tăng vượt mốc 200.000 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính là 59.200 tỷ đồng. Áp lực trả nợ đè nặng trong bối cảnh hàng tồn kho lớn và hàng bán chậm do vướng mắc pháp lý và quy hoạch.
Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả gấp 5 lần so với vốn chủ sở hữu (khoảng 38.000 tỷ đồng).
Phân tích của Chứng khoán TCBS, NVL được dự báo có thể lỗ trong 3 năm tới trước khi tình hình khởi sắc hơn vào năm 2028.
Cổ phiếu chứng khoán đón sóng
Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền kể từ ngày 02/11 tới đây.
Giới phân tích cho rằng, nhóm chứng khoán đang được hưởng lợi từ đây khi phục vụ nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nhờ gia tăng thu nhập từ mảng môi giới khi thanh khoản gia tăng.
Nổi bật tuần qua, cổ phiếu MBS (Chứng khoán MB, HNX) đã tăng 10,4% giá trị, nối dài 6 phiên tăng liên tiếp, xác lập đỉnh lịch sử tại gần 32.000 đồng/cp. Như vậy, từ đầu năm tới nay, thị giá của MBS đã tăng 67%, vốn hóa tăng lên 17.450 tỷ đồng.
Ngoài ra còn là SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), VND (Chứng khoán VNDirect, HOSE), DSC (Chứng khoán DSC, UPCOM),… cũng ghi nhận diễn biến khởi sắc tại sàn tuần qua.
Nhóm ngành được kỳ vọng trước thêm mùa báo cáo tài chính quý 3/2024
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng 2 nhóm ngành lớn: ngân hàng và bán lẻ dự kiến là động lực quan trọng cho thị trường. Nhóm dầu khí, dược phẩm và công nghệ có khả năng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Ngoài ra, tác động của các gói kích thích kinh tế quy mô lớn từ Trung Quốc, trong lĩnh vực nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ thị trường bất động sản, dự kiến sẽ tác động tích cực đến các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể giúp duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Một số ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ các chính sách này, gồm: Thép, Dầu khí, Cao su và Thủy sản.
Tháng 10 là giai đoạn then chốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều sự kiến và yếu tố cả trong và ngoài nước, như: Công bố kết quả phân loại thị trường FTSE Russell, mùa báo cáo tài chính quý 3/2024, đánh giá lại rổ chỉ số VNDiamond và VNFIN Select, Kỳ hợp Quốc hội khóa XV,… từ đó tác động đến tâm lý và chiến lược đầu tư của nhà đầu tư.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Bùi Ngọc Trung, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, áp lực chốt lời xuất hiện chỉ số giảm nhẹ về cuối tuần, song, đây là diễn biến tâm lý bình thường và mang tính ngắn hạn cho một nhịp điều chính, lấy đà để VN-Index tiếp tục chinh phục những mốc điểm cao hơn.
Thị trường có thể duy trì xu hướng tăng tích cực khi dòng tiền đã quay trở lại mạnh mẽ hơn, tập trung tại các nhóm đầu ngành và vốn hóa lớn: Ngân hàng, Bất động sản.
Ngoài ra, sự hỗ trợ quyết tâm từ Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng, thanh khoản của thị trường cải thiện hơn 20.000 tỷ đồng/phiên, động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại,… Tổng hòa lại, các yếu tố trên mang tính then chốt giúp thị trường gần như đã vượt qua các khó khăn trước đó và hướng đến các mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong cuối năm và xa hơn là 2025.
Chứng khoán TPS cho rằng, VN-Index có thêm một tuần giao dịch không vượt qua được vùng kháng cự 1.300 điểm với áp lực bán xuất hiện. Nhà đầu tư nên thận trọng trong tuần này, thực hiện chốt lời một phần. Nếu thị trường xuất hiện kịch bản tích cực, bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm, nhà đầu tư có thể mua vào khi thị trường kiểm định tại vùng này, tránh mua đuổi nếu thanh khoản không qua.
Chứng khoán SHS đánh giá, xu hướng ngắn hạn của VN-Index tăng trưởng ở vùng hỗ trợ quanh 1.280 điểm, vùng kháng cự là 1.300 điểm. Đây không phải là vùng giá hợp lý để giải ngân. Chỉ số nhiều khả năng biến động trong 1.280 – 1.300 điểm.
Chứng khoán VNDirect đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc chốt lời với những cổ phiếu đã tăng trên 15% trong 2 tuần gần đây, giảm tỷ lệ cổ phiếu. Việc giải ngân chỉ nên thực hiện khi VN-Index vượt qua vùng 1.300 điểm hoặc giảm về vùng hỗ trợ 1.260 – 1.270 điểm.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 18 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 30/9 - 4/10, trong đó, 16 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả kết hợp.
Tỷ lệ cao nhất là 46%, thấp nhất là 0,4%.
1 doanh nghiệp trả cổ phiếu:
Tổng CTCP Bảo Minh (BMI, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/10, tỷ lệ 10%.
1 doanh nghiệp trả kết hợp:
CTCP Tập đoàn Cơ Khí Công nghệ cao Siba (SBG, HOSE) trả cổ tức bằng hình thức cổ phiếu, phát hành thêm và thực hiện quyền mua. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 2/10, tỷ lệ lần lượt là 22%, 32% và 46%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
SEA | UPCOM | 30/9 | 25/10 | 5% |
SZE | UPCOM | 30/9 | 15/10 | 8% |
PVC | HNX | 1/10 | 24/10 | 0,6% |
ISH | UPCOM | 1/10 | 23/10 | 10% |
LMI | UPCOM | 1/10 | 18/10 | 8% |
DNC | HNX | 1/10 | 25/10 | 10% |
ALT | HNX | 1/10 | 24/10 | 10% |
HNF | UPCOM | 1/10 | 16/10 | 10% |
THB | HNX | 1/10 | 24/10 | 3,5% |
VNC | HNX | 1/10 | 24/10 | 10% |
PRT | UPCOM | 2/10 | 28/10 | 3% |
AGR | HOSE | 2/10 | 18/10 | 7% |
PNJ | HOSE | 2/10 | 16/10 | 14% |
BMI | HOSE | 3/10 | 23/10 | 19% |
CKD | UPCOM | 3/10 | 23/10 | 19% |
NTL | HOSE | 3/10 | 11/10 | 12% |
LNC | UPCOM | 4/10 | 18/10 | 0,4% |
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn