VN-Index chưa đủ động lực vượt 1.300 điểm
Kết phiên 6/9, VN-Index chốt tuần với 1.273,96 điểm, tăng nhẹ trở lại sau 2 phiên liên tiếp giảm trước đó, nhờ lực cầu cũng như sự hồi phục của nhóm blue-chips vào phiên chiều. Thanh khoản duy trì quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng/phiên.
Lực hồi phục của thị trường đến từ nhóm blue-chips: FPT (FPT, HOSE), MSN (Masan, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), VPB (VPBank, HOSE)…
Điểm sáng đến từ động thái của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, mua ròng trở lại trên 2 sàn niêm yết, mặc dù giá trị không quá lớn. Riêng sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng 231,27 tỷ đồng, tập trung tại FPT (FPT, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), VNM (Vinamilk, HOSE)… Tại sàn HNX, khối ngoại mua 39,95 tỷ đồng.
Nhìn chung, thị trường đang đi vào giai đoạn sideway (đi ngang) trong vùng 1.200 – 1.300 điểm với thanh khoản giảm dần.
Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuyên suốt các tuần qua, bà Nguyễn Ngọc Khánh Thy, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, VN-Index đang bước vào giai đoạn "trống thông tin" nên những biến động ngoài Việt Nam (như diễn biến kém khả quan tại thị trường chứng khoán Mỹ) phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là khi nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng thanh khoản phần lớn trên thị trường.
Ngoài ra, còn đến từ việc lo ngại khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ, điều này có sự liên đới đến triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến dòng chảy vốn của nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Dù vậy, phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi đã phần nào tạo tiền đề cho tâm lý nhà đầu tư về khả năng phục hồi trong tuần giao dịch tiếp theo trong thị trường có xu hướng sideway.
Điểm danh các ngành có thể “hưởng lợi” từ siêu bão Yagi
Theo các chuyên gia, bão Yagi gây thiệt hãi lớn về người và của, cùng với tác động kinh tế phức tạp, song, một số nhóm ngành và doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ thiên tai này, gián tiếp hỗ trợ VN-Index bùng nổ.
Ngành Vật liệu xây dựng, bão Yagi gây ra thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, từ nhà cửa, đường xá, cầu đường… việc tái thiết và sửa chữa sau bão tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng. Có thể kể đến các mã: HSG (Tôn Hoa Sen, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), NKG (Thép Nam Kim, HOSE), HT1 (Xi măng Vicem Hà Tiên, HOSE)…
Ngành Bán lẻ, với các cơn bão lớn, người dân thường có xu hướng tích trữ nhu yếu phẩm, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các nhà bán lẻ từ đó ghi nhận sự gia tăng về doanh thu trong thời gian này. Các mã nổi bật gồm: FRT (FPT, Retails, HOSE), MSN (Masan, HOSE), MWG (Thế giới di động, HOSE)…
Ngành Logistic và Vận tải, bão Yagi làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giao thông. Những công ty vận tải và logistics có khả năng phục hồi nhanh và tái thiết mạng lưới vận tải sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa khẩn cấp. Mã cổ phiếu có thể lưu ý: GMD (Gemadept, HOSE), VTP (Viettel Post, HOSE)…
Quốc Cường Gia Lai không đủ tiền hoàn trả bà Trương Mỹ Lan, cổ phiếu vẫn "tăng trần"
Toà án Nhân dân TPHCM đã ra bản án sơ thẩm buộc Quốc Cường Gia Lai (QCG, HOSE) phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ CTCP Island là hơn 2.882 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Tại thời điểm 30/6, QCG chỉ còn hơn 27 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ vay lên tới hơn 434 tỷ đồng. Như vậy, quỹ tiền mặt của QCG nhỏ hơn nhiều so với số tiền phải trả cho CTCP Island.
Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã quyết định đưa cổ phiếu QCG vào danh sách chứng khoản không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Lý do vì lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 là âm (6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ QCG là hơn 15 tỷ đồng).
Dù vậy, ghi nhận tại sàn chứng khoán, phiên cuối tuần qua (6/9), cổ phiếu QCG bất ngờ "tăng trần" 6,84% với lực mua mạnh, thị giá tăng lên 6.560 đồng/cp.
7 cổ phiếu tiềm năng tháng 9
Chứng khoán Agriseco (AGR) đưa ra những cổ phiếu tiềm năng trong tháng 9, tập trung vào các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh và triển vọng kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 và các tháng cuối năm 2024.
ACB (Ngân hàng ACB, HOSE), giá mục tiêu 28.000 đồng/cp, tỷ lệ sinh lời dự kiến 14%, nhờ vào tăng trưởng tín dụng và huy động tích cực trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu ở mức tương đối ổn định, ACB là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh top đầu ngành.
HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), giá mục tiêu 30.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 19%, nhờ vào tăng trưởng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản ghi nhận tín hiệu hồi phục về nguồn cung.
POW (Điện lực Dầu khí Việt Nam, HOSE), giá mục tiêu 15.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 14%, nhờ triển vọng dài hạn từ các nhà máy nhiệt điện khí, dự án Nhà máy Nhơn Trạch 3-4 của POW dự kiến sẽ vận hành từ cuối năm 2024 – 2025 giúp sản lượng điện của doanh nghiệp tăng.
PVS (Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, HOSE), giá mục tiêu 47.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 16%, được kỳ vọng mảng cơ khí và xây lắp triển vọng sáng trong nửa cuối năm.
VHM (Vinhomes, HOSE), giá mục tiêu 50.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 18%, nhờ vào tăng trưởng tích cực của doanh số bán hàng tăng cao. Các dự án mở bán mới sẽ là yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng tăng trưởng, qua đó giúp duy trì triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh.
VNM (Sữa Việt Nam – Vinamilk, HOSE), giá mục tiêu 83.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 12%, nhờ động lực duy trì tăng trưởng từ xuất ngoại sản phẩm và thị phần trong nước đang trên đà hồi phục.
VSC (Container Việt Nam, HOSE), giá mục tiêu 21.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 14%, kỳ vọng khởi sắc nhờ sản lượng hàng hoá, container qua cảng sẽ tiếp tục tích cực trong các tháng cuối năm 2024.
Nhận định và khuyến nghị
Bà Nguyễn Ngọc Khánh Thy, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, phiên hồi phục cuối tuần qua với lực cầu còn yếu, do vậy, đây chưa phải tín hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh. Vùng hỗ trợ gần cho chỉ số nằm ở 1.250 – 1.260 điểm. Nếu thanh khoản không được cải thiện thì cơ hội tạo đáy tại khu vực này rất cao.
Nhà đầu tư (NĐT) cần chú ý tới số chỉ số kinh tế vĩ mô: số liệu tăng trưởng GDP dự báo, số liệu FDI, chỉ số PMI, chỉ tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa và tất nhiên việc kiểm soát tỷ giá và chính sách điều hành của Ngân hàng nhà nước (NHNN)
Các yếu tố ngoài nước cũng quan trọng không kém, điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 9, đây là yếu tố mở đường cho Chính phủ và NHNN có thể thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, một sự kiện tích cực mà NĐT có thể kỳ vọng cho một cú hích vượt mốc 1.300, đó là Việt Nam được cho vào danh sách nâng hạng của FTSE.
Diễn biến tuần này, VN-Index có thể chịu tác động ngắn hạn bởi các pha điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán thế giới chủ yếu vì yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực của nền kinh tế trong nước như đề cập bên trên vẫn sẽ là những động lực chính và cốt lõi trong biến động giá cổ phiếu trong nước, giúp thị trường đạt được những cột mốc cao hơn.
Bà đưa ra khuyến nghị, NĐT nên chia nhỏ tỷ trọng giải ngân từng lần thay vì giải ngân hết vào cùng thời điểm tại một hỗ trợ, điều này sẽ phù hợp với diễn biến khó lường của thị trường hiện nay; cần kiên nhẫn thay vì hành động theo những nhịp "rung lắc" của thế giới.
Chứng khoán SSI nhận định, thanh khoản tại sàn HOSE vẫn thận trọng, chỉ số hồi phục từ vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.264 điểm, nhưng vẫn nằm dưới vùng kháng cự 1.275 – 1.276 điểm, thị trường chưa đủ động lực bứt phá. Xu hướng hiện tại là điều chỉnh ngắn hạn, dự kiến trong vùng 1.260 – 1.277 điểm.
Chứng khoán Vietcap cho rằng, thanh khoản tại sàn vẫn dưới mức trung bình cho thấy hoạt động mua vẫn dè chừng. Trong kịch bản kém tích cực, chỉ số sẽ dao động trong biên độ 1.270 - 1.280 điểm nếu áp lực bán trở lại quanh kháng cự. Vị thế mua quanh vùng 1.260 điểm trong phiên 6/9 có ngưỡng dừng lỗ là 1.255 điểm, và rủi ro VN-Index kết thúc xu hướng tăng vẫn đang thấp.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 30 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 4-6/9, trong đó, 28 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 2 doanh nghiệp trả kết hợp
Tỷ lệ cao nhất là 60%, thấp nhất là 2%.
2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
CTCP Nafoods Group (NAF, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 10/9, tỷ lệ 10%.
CTCP Container Việt Nam (VSC, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/9, tỷ lệ 7,5%.
2 doanh nghIệp trả kết hợp:
Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas (GAS, HOSE) trả cổ tức bằng hình thức tiền mặt và thực hiện quyền nhận cổ phiếu, với hình thức quyền nhận cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/9, tỷ lệ 2%.
CTCP Thế giới Số (DGW, HOSE) trả cổ tức bằng hình thức tiền mặt và cổ phiếu, với hình thức cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/9, tỷ lệ 30%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
PMP | HNX | 9/9 | 25/9 | 10% |
CQT | UPCOM | 9/9 | 1/10 | 8% |
SVT | HOSE | 9/9 | 24/9 | 15% |
BBC | HOSE | 9/9 | 10/10 | 15% |
SNC | UPCOM | 10/9 | 10/10 | 20% |
RYG | 10/9 | 30/9 | 10% | |
VND | HOSE | 10/9 | 25/9 | 5% |
TBC | HOSE | 11/9 | 27/9 | 10% |
HJS | HNX | 11/9 | 27/9 | 6% |
PIA | HNX | 11/9 | 30/9 | 20% |
VNR | HNX | 11/9 | 27/9 | 10% |
NNC | HOSE | 12/9 | 30/9 | 5% |
SDV | UPCOM | 12/9 | 27/9 | 20% |
KTW | UPCOM | 12/9 | 30/9 | 8% |
VNL | HOSE | 12/9 | 4/10 | 5% |
BIC | HOSE | 13/9 | 4/10 | 15% |
NST | HNX | 13/9 | 11/10 | 6,5% |
GAS | HOSE | 13/9 | 28/11 | 60% |
BXH | HNX | 13/9 | 10/10 | 2,5% |
DMC | HOSE | 13/9 | 18/10 | 25% |
NTF | UPCOM | 13/9 | 15/10 | 10% |
PMC | HNX | 13/9 | 25/9 | 10% |
NET | HNX | 13/9 | 27/9 | 50% |
XMP | UPCOM | 13/9 | 25/9 | 2% |
PHC | HOSE | 13/9 | 18/10 | 5% |
ND2 | UPCOM | 13/9 | 16/10 | 20% |
DGW | HOSE | 13/9 | 25/9 | 5% |
CSM | HOSE | 13/9 | 27/9 | 3% |
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn