VN-Index sụt giảm thanh khoản liên tiếp
VN-Index kết tuần với 1.103 điểm, chỉ tăng thêm 0.63 điểm sau diễn biến giằng co giữa lực mua và bán. Toàn sàn chỉ có 197 mã tăng, 248 mã giảm và 88 mã giao dịch ngang. Trong đó, nhóm VN30 chỉ có 9 mã tăng.
BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, HOSE) trở thành cổ phiếu gánh thị trường phiên chốt tuần khi có diễn biến tăng vọt, đi ngược với xu hướng toàn sàn, đánh dấu phiên thứ 4 tăng liên tiếp, đạt 42.550 đồng/cp.
Nhìn chung, toàn thị trường liên tục giằng co tại ngưỡng 1.000 – 1.100 điểm.
Đáng chú ý, thanh khoản đang có xu hướng sụt giảm kỷ lục, chỉ giao dịch quanh ngưỡng 13.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên vừa qua đạt mức dưới 10.000 tỷ đồng. Chuỗi ngày giao dịch sôi động xung quanh ngưỡng 20.000 tỷ đồng từ lâu đã không còn xuất hiện.
Hiện tượng giao dịch ảm đạm này được cho là khó tránh khỏi khi giai đoạn hiện tại đang rơi vào vùng trống thông tin trên thị trường. Các thông tin hỗ trợ đã phản ánh vào giá khi luồng thông tin mới chưa có nhiều.
Theo các chuyên giá, trạng thái này không quá bất ngờ trong giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư đang chờ tín hiệu rõ hơn về kỳ vọng kinh tế phục hồi trước khi có quyết định giao dịch.
Theo Chứng khoán VNDirect, trong bối cảnh này, các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối năm 2023. VN-Index có thể phục hồi nhẹ hướng tới vùng 1.120 – 1.130 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm này, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index chưa được xác lập, cho đến khi chỉ số vượt qua vùng quanh 1.150 điểm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra quan điểm, VN-Index sẽ sớm gặp áp lực "rung lắc" lực cản tại vùng quanh 1.110 điểm. Trạng thái giao dịch giữa phe mua và bán vẫn tiếp tục có tín hiệu giằng co. Tuy nhiên, đà tăng điểm chưa thực sự thuyết phục khi thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng cận dưới 1.080 điểm và quanh 1.110 điểm.
Còn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ vững tâm lý trong các phiên biến động và chưa cần hạ tỷ trọng trong thời điểm hiện tại. Theo phân tích kỹ thuật, VCBS dự đoán VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và tiếp diễn xu hướng phục hồi trong thời gian tới.
Nền kinh tế 2024 được dự báo sẽ tiếp tục quá trình phục hồi với tốc độ chậm khi vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo báo cáo chiến lược của FinPeace, nhà đầu tư nên chọn lọc các nhóm ngành với những câu chuyện riêng, 3 nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng cơ bản khả quan trong năm 2024 gồm: thép, điện và dầu khí.
Ngành thép, trong ngắn và trung hạn, được kỳ vọng tiêu thụ phục hồi đến từ sự "nóng" lên của thị trường bất động sản toàn cầu. Ngành điện đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, việc khắc phục tình trạng thiếu điện trong năm 2024 sẽ làm khối lượng công việc nhóm xây lắp điện tăng gấp đôi so với năm 2023. Còn tại nhóm dầu khí, FinPeace cho rằng trong ngắn hạn, câu chuyện ngành vẫn xoay quanh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Lô B – Ô Môn.
Nhóm ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng khó có điểm sáng về tăng trưởng 2024. Bất đốn sản dù đã giai đoạn khó khăn nhất đã qua, xu hướng toàn ngành sẽ phục hồi nhưng sẽ có sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra nhóm cổ phiếu đáng đầu tư, gồm: công nghệ - FPT (CTCP FPT, HOSE), năng lượng – PC1 (CTCP Tập Đoàn PC1, HOSE) và POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, HOSE), dầu khí – PVD (Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, HOSE), tiêu dùng – PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, HOSE), ngân hàng – ACB (Ngân hàng Á Châu, HOSE) và VCB (Ngân hàng Vietcombank, HOSE).
Trái ngược với mọi dự đoán về nguy cơ bị hủy niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây đã thông báo quyết định đưa cổ phiếu HVN (Tổng CTCP Hàng không Việt Nam) ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 26/12 do đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên 2023 vào ngày 16/12.
Trước đó, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4. Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định.
Mặc dù vậy, điều nay chưa đủ giúp hơn 40 nghìn cổ đông HVN bớt lo lắng.
Từ 12/7/2023 đến nay, cổ phiếu HVN vẫn đang trong diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong các phiên chiều). Kết phiên 22/12, HVN còn giá 11.000 đồng/cp, giảm 21% so với mức 13.900 đồng/cp hồi đầu năm.
Dù ghi nhận hơn 2,2 tỷ cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE, song, lượng thanh khoản trung bình phiên của HVN hiện rất thấp, chỉ hơn 320.000 đơn vị, do diện hạn chế giao dịch, cắt margin và tình trạng kinh doanh thua lỗ.
PNJ báo lãi tăng 31% trong bối cảnh vàng tăng vọt
Tính riêng tháng 11, lợi nhuận sau thuế của PNJ đã tăng 31% lên mức 199 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 9 tháng. Doanh thu thuần đạt 3.111 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau 11 tháng, công ty đến nay đã hoàn thiện 83% chỉ tiêu doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Mảng trang sức bán lẻ chứng kiến sức mua suy yếu dẫn đến doanh thu giảm 8% so với cùng kỳ. PNJ nhận định đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thị trường bán lẻ hàng không thiết yếu nói chung, đặc biệt là mặt hàng trang sức.
Doanh thu mảng trang sức bán sỉ trong 11 tháng đầu năm giảm mạnh gần 32% so với cùng kỳ. Ngược lại, điểm sang hiếm hoi xuất hiện tại lĩnh vực kinh doanh vàng 24K, doanh thu tăng trưởng gần 14%.
Tại sàn, mặc dù so với đầu năm, thị giá không tăng đáng kể, song, so với diễn biến cả năm, PNJ đang giao dịch ở mức khá tích cực.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 31 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần 18 - 24/12. Trong đó, 29 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng thực hiện quyền mua và 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong số các doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt tuần này, cao nhất tới 30% và thấp nhất là 2,5%.
TDM (CTCP Nước Thủ Dầu Một, HOSE) trả cổ tức bằng hình thực thực hiện quyền mua cổ phiếu với tỷ lệ là 10%, ngày chốt giao dịch không hưởng quyền là 28/12.
ANT (CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang, UPCOM) trả cổ tức bằng hình thức cổ phiếu, tỷ lệ là 27,8%, ngày chốt giao dịch không hưởng quyền là 28/12.
Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 28/10 - 3/11
* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền - là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty hiện tại.
Mã CK | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
LGC | HOSE | 25/12 | 20/3 | 6% (2020) |
LGC | HOSE | 25/12 | 20/3 | 8% (2022) |
LGC | HOSE | 25/12 | 20/3 | 6% (đợt 1/2023) |
PSL | UPCOM | 25/12 | 28/3 | 2,5% |
HND | UPCOM | 25/12 | 28/2 | 4% |
S4A | HOSE | 25/12 | 8/1 | 18% |
GEG | HOSE | 25/12 | 29/12 | 6,1% |
HTG | HOSE | 25/12 | 26/1 | 25% |
PPC | HOSE | 26/12 | 4/3 | 2,8% |
CHP | HOSE | 26/12 | 24/1 | 8% |
HAM | UPCOM | 26/12 | 15/1 | 5% |
SGR | HOSE | 26/12 | 16/1 | 10% |
TBC | HOSE | 27/12 | 25/1 | 10% |
BFC | HOSE | 27/12 | 18/1 | 5% |
HUG | UPCOM | 27/12 | 26/3 | 15% |
VNM | HOSE | 27/12 | 28/2 | 5% |
HDM | UPCOM | 27/12 | 22/1 | 30% |
PIC | HNX | 27/12 | 29/1 | 5% |
CSV | HOSE | 28/12 | 9/1 | 10% |
PPH | UPCOM | 28/12 | 12/1 | 10% |
SIV | UPCOM | 28/12 | 29/1 | 10% |
CNC | UPCOM | 28/12 | 20% | |
DRC | HOSE | 28/12 | 12/1 | 5% |
PAC | HOSE | 28/12 | 19/1 | 5% |
PGV | HOSE | 28/12 | 4/3 | 6,7% |
M10 | UPCOM | 28/12 | 26/1 | 10% |
QHD | HNX | 28/12 | 22/1 | 20% |
TTD | UPCOM | 28/12 | 10/1 | 10% |
NBT | UPCOM | 28/12 | 29/1 | 5% |
TDM | HOSE | 28/12 | 15/5 | 14% |
PGV | HOSE | 28/12 | 4/3 | 2,6% |
VSH | HOSE | 28/12 | 31/1 | 10% (đợt 1/2023) |
VSH | HOSE | 28/12 | 22/3 | 20% (đợt 2/2023) |
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn