Thời gian trước đây, địa bàn thôn 6 xã Hòa Phú thường xuyên xảy ra tệ nạn buôn bán ma túy, chích hút vô cùng phức tạp. Vậy nên, bà Lại Thị Ái luôn trăn trở và quyết tâm không ngồi yên. Từ đó, bà tích cực đấu tranh với ma túy kết hợp với tuyên truyền, vận động, góp phần xây dựng "Xã bình yên, gia đình hòa thuận".
Bà Ái cho biết: "Tôi rất coi trọng việc bảo vệ nòi giống, bảo vệ thế hệ trẻ hôm nay. Theo tôi nhận định, tội phạm ma túy là nguy hiểm nhất trong các loại tội phạm, nó đầu độc lớp trẻ, làm suy kiệt nòi giống và suy thoái về đạo đức. Thông qua các phương tiện truyền thông, tôi còn nhìn thấy bao nhiêu cảnh những con nghiện đâm chém nhau dã man, một khi đã lên cơn thì không phân biệt anh em ruột thịt. Vậy nên, tôi không khoanh tay đứng nhìn được. Tôi cương quyết phải loại trừ tệ nạn này, cứ mầm mống nào vừa mọc lên là tôi triệt tiêu ngay. Công tác phòng chống ma túy thuận lợi không bao nhiêu nhưng khó khăn rất nhiều, tôi làm vì xuất phát từ cái tâm thôi".
Để tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, bà đã có nhiều cách làm hay, kiến nghị phù hợp, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như chiếu màn ảnh rộng phóng sự về ma túy. Bà đã đề nghị phòng C45 Công an tỉnh Đắk Lắk về địa điểm tại gia đình bà để chiếu phim màn ảnh rộng về sự nguy hiểm của ma túy cho hơn 100 hộ gia đình cùng xem. Buổi tuyên truyền với hình thức mới lạ, thu hút được nhiều người quan tâm, các thanh thiếu niên nắm bắt và hiểu rõ, mọi người cùng cảnh giác, chung tay phòng chống tệ nạn này.
Bà còn tham mưu cho Bí thư chi bộ tổ chức họp chi hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ với nội dung đăng ký gia đình chị em phụ nữ không có chồng con mắc tệ nạn ma túy và tệ nạn xã hội. Cho đến nay, câu lạc bộ của Chi hội phụ nữ Thôn 6 đã có 56 chị em đăng ký.
Bà Ái thường xuyên kết hợp đi tập thể dục với việc quan sát, nắm bắt rõ lịch trình của đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, đưa ra lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho các con nghiện. "Ở những địa điểm có ống kim tiêm, tôi về cắt can dầu ăn và xâu thép treo tại các điểm đó. Tôi cắt tờ giấy trắng ghi chữ và dán xung quanh chiếc can nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng khi dùng xong hãy bỏ kim tiêm vào đây", bà Ái cho hay.
Một trong những thành tích đáng nhớ nhất là việc theo dõi về một đối tượng trốn án vào năm 2010. Bà đã ròng rã suốt gần 1 tháng để cùng với công an tìm kiếm đối tượng. Cuối cùng đối tượng cũng bị bắt và được đưa đi trại chấp hành án phạt tù, về tội mua bán trái phép chất ma túy, thời gian phạt tù 10 năm.
Ngoài đẩy mạnh công tác đấu tranh truy bắt đối tượng phạm tội về ma túy, bản thân bà còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp cận, tư vấn tâm lý, tạo điều kiện hướng nghiệp, học nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Hàng năm, bà phối hợp cùng các tổ chức ban ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên và đề nghị cấp trên cho họ vay vốn ngân hàng chính sách để họ sản xuất, chăn nuôi và tái hòa nhập tại cộng đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống ma túy, bà Ái cho biết: "Tính tôi dám nghĩ dám làm. Mình phải khéo léo khi đứng trước tội phạm. Bên cạnh đó, mình phải biết tuyên truyền cảm hóa khi người ta lầm lỗi trở về, mình vừa phải tuyên truyền vừa phòng chống. Mình làm như vậy để họ không mặc cảm. Họ có con đường làm ăn chân chính và tìm lại giá trị của bản thân. Việc bắt tội phạm là của công an, còn tôi làm cầu nối giữa quân nhân và pháp luật để bảo vệ cho các lớp trẻ. Từng là Chi hội phó phụ nữ Thôn 6 xã Hòa Phú, tôi hiểu được vai trò của chị em phụ nữ trong gia đình. Nên tôi luôn hướng tới tuyên truyền để những người phụ nữ giám sát con, xây dựng gia đình không có những đứa con nghiện ngập, buôn bán ma túy".
"Tôi nghĩ rằng địa phương mình có yên bình thì mỗi gia đình phải bình yên trước. Các loại tệ nạn xuất phát từ đâu? Phần nhiều từ ma túy mà ra cả. Mỗi người hãy tự ý thức về tác hại của ma túy mà tránh xa. Còn với tôi, chừng nào còn hơi thở thì chừng đó tôi còn đấu tranh phòng chống ma túy", bà Ái khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn