Chúng ta là người một nhà

16:57 | 01/06/2018;
Thoại vào nhà, căn hộ tối om càng thêm lạnh lẽo. Đã một tuần nay, vợ con anh về bên ngoại ở. Trước đó Huyền đã bàn với Thoại nên dọn về bên mẹ ở ít bữa để tiện chăm sóc mẹ ốm, Thoại chẳng nói nhiều, chỉ bảo: “Cô về thì về…”.

Thoại không ngờ Huyền đi là đi luôn, không gọi điện hỏi thăm xem chồng sống chết ra sao cả tuần nay. Mọi khi Huyền đi công tác, cô luôn chuẩn bị thức ăn cho chồng con thật chu đáo, vậy mà lần này tủ lạnh trống trơn, đến gói mì ăn liền cũng không có.

Mấy ngày liền, Thoại đi nhậu say khướt đến khuya mới về. Đến ngày thứ tư, nửa đêm khát nước, Thoại tỉnh rượu, gọi vợ, thấy im ắng anh mới sực nhớ vợ đang ở nhà ngoại. Anh đành tự ra bếp lấy nước thì giẫm phải đống nôn... Thật là kinh khủng.

Không biết đã bao nhiêu lần Thoại say và nôn nhưng anh chưa bao giờ nhìn thấy chiến tích của mình. Lần nào vợ cũng kể: “Mẹ phải dọn cho anh cả tiếng đồng hồ mới sạch đấy...”. Khi ấy, Thoại chẳng thấy ân hận đã làm mẹ vợ vất vả mà anh còn khó chịu nghĩ vợ đang kể công cho mẹ.

Giờ đây, khi nhìn thấy những món nhậu từ ruột của mình rải khắp từ cửa vào đến buồng khách, rồi ghế đệm, quần áo cũng chua lòm, Thoại mới hiểu sự vất vả của mẹ vợ những ngày anh ở rể.

Bố mẹ Huyền là người nhạy cảm, tế nhị. Hai ông bà sợ con rể mặc cảm nên rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói lẫn cách cư xử. Nhiều lần Thoại đi nhậu để cả nhà chờ cơm mà không báo trước, hai ông bà cũng không nói một lời. Huyền nhắc thì Thoại lại hậm hực cho là bố mẹ vợ xui.

Mỗi lần hai vợ chồng về quê, mẹ Huyền đều gửi quà cho thông gia. Thoại chẳng một lời cảm ơn còn bảo: “Ở nhà con có đầy, mẹ đừng mua cho tốn tiền”, hoặc: “Bố mẹ con đâu có uống thuốc mà mẹ gửi làm gì cho phí”... Kiểu nói ấy ai nghe cũng khó chịu, vậy mà mẹ Huyền chỉ tặc lưỡi: “Vẫn biết thế nhưng đây là tấm lòng của bố mẹ”.

Mặc cảm với hoàn cảnh của mình thua kém vợ nên Thoại luôn sợ mọi người coi thường, ở nhà vợ mà anh chẳng làm gì, đến cái bóng đèn cũng mặc cho bố vợ bắc thang lên thay. Quần áo thay ra cũng mặc cho ai giặt thì giặt, đến bữa cơm được mời mới vào ăn.

Lần ấy cô Hường, em của bố Huyền, đến ăn cơm, chứng kiến cảnh Thoại ngồi bấm điện thoại chơi game để mẹ vợ mời đến ba lần mới ra bàn ăn với vẻ mặt khó chịu, đã trách Huyền chiều chồng quá, để chồng không biết mình là ai. Thoại nghe được, anh bực nhất là câu: “...nó không biết điều, sống ở nhà vợ mà tưởng mình là ông tướng...”.

Ngay hôm đó, Thoại quyết định ra ở riêng mặc cho Huyền sắp đến ngày sinh. Ngày ở nhà với mẹ, Huyền không phải làm gì, cũng chẳng biết tính toán chi tiêu. Bây giờ ở riêng phải đảm nhiệm việc chi tiêu gia đình, Huyền cứ thấy mình như đi vào mê cung, rối tung như tơ vò, chưa hết tháng đã hết tiền, thế là lại chạy về nhà xin tiền mẹ. Thoại biết nhưng anh vờ như không, mặc cho vợ muốn làm gì thì làm.

Khi có thêm bé con, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Huyền lo cháy ruột vì túng tiền còn Thoại vẫn bình chân như vại, bảo: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ...”.

Muốn đỡ gánh nặng cho các con, bố mẹ Huyền bảo: Đem cháu sang để ông bà nuôi, cho ông bà vui, cho hai đứa phấn đấu sự nghiệp...

Vậy mà Thoại phát bẳn cho là bố mẹ vợ coi thường mình không nuôi nổi con nên nhất định không đồng ý. Thế là hàng ngày, bất kể mưa, nắng mẹ Huyền đi xe ôm mang đồ ăn đến chăm con, chăm cháu... Thoại biết tất cả những đồ cho bé là do bà ngoại mua. Bà còn mua cả thức ăn cho vợ chồng anh nhưng Thoại vờ như không biết, còn cấm vợ “không được nhận đồ của bà ngoại, kẻo sau này bà lại kể công, không móc họng ra mà trả cho bà được”.

Huyền tuy vụng đường nữ công gia chánh nhưng cô lại giỏi kiếm tiền, chỉ khó là không có thời gian. Khi con lên 3 tuổi, Huyền bàn với chồng: Giúp cô trông con để cô làm thêm kiếm tiền... Thoại vằn mắt, mắng: “Cô khinh tôi hả? Chỉ có cô mới kiếm được tiền còn tôi vô dụng bất tài chỉ biết mặc váy trông con thôi hả?”. Nói thế nhưng Thoại chẳng chịu tìm việc làm thêm nên Huyền đành nhờ mẹ giúp đỡ.

Ngày nào bà ngoại cũng sang trông cháu, giúp đỡ con gái việc nhà. Đến hôm nay bà ngã bệnh vì mấy hôm trước trở trời đang nắng thì mưa. Bà mắc mưa đúng lúc trên đường về nhà, thế là viêm phổi.

Trong bóng đêm, hình ảnh mẹ vợ cặm cụi làm vì con vì cháu cứ hiện ra từng chuyện, từng việc, Thoại như nhìn rõ đôi mắt già nua của mẹ vợ nhìn anh rất buồn như đang hỏi: “Sao con cứ mặc cảm, tự ti để tự làm khổ mình và khổ cả vợ con con? mà...”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn