Chung tay phòng, chống mua bán người: Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động

13:03 | 30/07/2021;
Sáng 30/7, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức sự kiện trực tuyến "Chung tay phòng, chống mua bán người" nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.

Chương trình là sự khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với công tác phòng, chống mua bán người và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về phòng, chống mua bán người cho nhân dân, phụ nữ, trẻ em.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ đồng chủ trì. Tham dự chương trình còn có bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Park Mi Hyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư LHQ tại Việt Nam, cùng đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, đại diện Bộ đội Biên phòng…

Đây là năm thứ 6, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

Chung tay phòng, chống mua bán người: Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động - Ảnh 1.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu khai mạc chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và các cam kết quốc tế về phòng chống mua bán người với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện những thủ đoạn mới tinh vi hơn, nạn nhân là những người yếu thế, phần đông là phụ nữ và trẻ em.

Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 đã để lại những hệ quả tiêu cực, tội phạm mua bán người bất chấp thủ đoạn, tăng cường lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân trong nước.

"Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên hợp quốc xác định là "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động", khuyến nghị các quốc gia lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi giải pháp về phòng, chống mua bán người. Đây cũng là quan điểm, cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam và là nguyên tắc đã được khẳng định trong Luật phòng, chống mua bán người. Hướng đến sự kiện này, trong tuần qua, cùng với các cấp, các ngành trong cả nước, các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng trên các kênh thông tin, các mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới hội viên, phụ nữ và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã kêu gọi các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân.

Đặc biệt, phát huy hiệu quả hoạt động của Ngôi nhà bình yên, Ngôi nhà Nhân ái để nơi đây thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng.

Chung tay phòng, chống mua bán người: Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động - Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, đánh giá, những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp, xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ngày càng trở thành mối quan tâm sâu sắc của tất cả chúng ta.

Tội phạm mua bán người hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp; các đối tượng câu kết hình thành tổ chức, đường dây khép kín, hoạt động trên nhiều địa bàn, xuyên quốc gia; lợi dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo...) để tìm kiếm, môi giới, dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ và trẻ em bán ra nước ngoài hoặc trong nội địa. Phần lớn nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống.

Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm phát hiện 240 vụ mua bán người, với 340 đối tượng, lừa bán khoảng 500 nạn nhân, trong đó trên 80% nạn nhân bị bán ra nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng công an đã phát hiện 29 vụ mua bán người, bắt giữ 43 đối tượng, giải cứu hơn 50 nạn nhân.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp.

"Do vậy, tôi đề nghị chúng ta cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông điệp của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2021 là: "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động" để tiếp tục hành động và triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người", Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Chung tay phòng, chống mua bán người: Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an, đại diện Bộ đội Biên phòng, đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư LHQ tại Việt Nam cùng cam kết Chung tay phòng, chống mua bán người.

Kết thúc chương trình, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an, đại diện Bộ đội Biên phòng, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư LHQ tại Việt Nam cùng thực hiện nghi thức cam kết của hệ thống chính trị Việt Nam và các tổ chức quốc tế với sự nghiệp phòng, chống mua bán người.

Nhận diện các thủ đoạn bọn buôn người sử dụng

Đại tá Tô Cao Lanh: Phó Cục trưởng Cục CSHS (Bộ Công an), đã chỉ ra các thủ đoạn mà bọn buôn người thường sử dụng để lừa đảo nạn nhân rơi vào bẫy:

- Các đối tượng thường làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) và dùng tên, tuổi địa chỉ giả, không cung cấp hình ảnh thật; Đối tượng không tiếp xúc trực tiếp mà bắt nạn nhân liên hệ qua điện thoại;

- Dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho nạn nhân với các lời hứa như việc nhẹ, đơn giản, thu nhập cao; Hứa đưa nạn nhân ra nước ngoài lấy chồng giàu sang;

- Yêu cầu nạn nhân cung cấp ảnh, thông tin cá nhân với mục đích là cho "khách hàng" xem mặt trước;

- Lợi dụng việc người dân có nhu cầu tìm việc làm, cung cấp cho người dân nơi làm việc;

- Giả danh cơ quan chức năng để đe dọa nạn nhân, khi mời nạn nhân lên thì thường hẹn ra ngoài thay vì đến trụ sở cơ quan;

- Ban đầu tiếp xúc nạn nhân, đối tượng chủ động chi tiền lo chi phí đi lại cho nạn nhân…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn